Thứ 6, 19/04/2024 13:52:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:13, 16/07/2019 GMT+7

Không để “đó rách ngáng chỗ”

Thứ 3, 16/07/2019 | 08:13:00 1,474 lượt xem

BP - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm ngày 9-7-2019 ký ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND về tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn tỉnh. Đây là một bước tiếp theo triển khai thực hiện Đề án Văn hóa công vụ và lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tại lễ phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” diễn ra đúng dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngay từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước. Quy chế quy định cụ thể những hành vi bị cấm đến lễ phục, trang phục, cách giao tiếp, ứng xử với đồng nghiệp, đặc biệt là với người dân, doanh nghiệp... của cán bộ, công chức, viên chức. Đã hơn thập kỷ qua, thế nhưng trên thực tế văn hóa công sở vẫn chưa chuyển biến thật sự về chất. Ở nhiều nơi còn hiện tượng cán bộ, công chức nặng tư duy cửa quyền, mệnh lệnh, hách dịch; làm việc với thái độ thờ ơ, tắc trách, vô cảm... như một căn bệnh kinh niên. Đặc biệt, tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức với người dân, doanh nghiệp khi thực thi nhiệm vụ, làm quấy làm quá, làm không đến nơi đến chốn, “hành” là “chính”, khiến nhiều vụ việc bị chậm trễ, gây bức xúc trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi đây là “thứ văn hóa không nhúc nhích”.

Tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa IX tổ chức ngày 2 và 3-7 mới đây, lý giải nguyên nhân chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 vẫn ở mức thấp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm cho biết: Nguyên nhân chính là vận hành của hệ thống chính trị chưa thật sự đồng bộ, chậm đổi mới; tinh thần, thái độ làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cấp huyện, cấp xã và cán bộ cấp phòng tại các sở, ngành còn trì trệ, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Trong các hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cùng nhiều chuyến kiểm tra, làm việc tại các địa phương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã nghiêm khắc yêu cầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các ban, ngành, người đứng đầu phải tăng cường về cơ sở; chấn chỉnh thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện nghiêm việc tiếp dân, đối thoại với nhân dân theo quy định, giải quyết đến cùng những vụ việc trong dân. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó chú trọng cải cách những gì người dân và doanh nghiệp đang cần...

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động trong phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, trước hết, cần thay đổi hành vi trong hoạt động công vụ cho phù hợp nền hành chính dịch vụ, hướng về lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, mỗi hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức phải xuất phát từ đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm với công việc. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, gắn với thực hiện hiệu quả chuyên đề học và làm theo Bác về xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân; kiên quyết xử lý, loại bỏ những “đó rách ngáng chỗ”; đề cao vai trò giám sát của MTTQ và nhân dân với các hoạt động công vụ... Có như vậy mới thực hiện được các giá trị cơ bản, cốt lõi của văn hóa công vụ là: chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, trung thực, khách quan, hiệu quả và phục vụ.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu