Thứ 6, 19/04/2024 22:33:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:54, 20/06/2019 GMT+7

Không ngừng nghỉ, không bỏ cuộc

Thứ 5, 20/06/2019 | 07:54:00 151 lượt xem
BP - Ngày 17-6-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Công điện số 724/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành liên tiếp 2 văn bản mang tính chất “tốc hành” về việc này. Trước Công điện số 724/CĐ-TTg, ngày 22-4-2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Một chỉ thị và một công điện cùng hướng tới một chủ thể điều chỉnh, đó là hoạt động của bộ máy chính quyền, công vụ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ được giao.

Nếu xét rộng ra, thời gian qua đã có không ít chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước từ cấp cao nhất đến các cấp thấp hơn trong lĩnh vực này. Thế nhưng, “đàn sâu” đang tàn phá bộ máy, tàn phá đất nước dường như chưa được chặn đứng. Đã có nhiều “con sâu đầu đàn”, “sâu chúa”: bị lôi ra ánh sáng, bị pháp luật trừng trị và xã hội lên án. Nhưng những “con sâu con” còn không ít và cũng vẫn “coi trời bằng vung”. Điển hình gần đây nhất, ngay trong tháng 6-2019, là nhóm cán bộ thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang nhận hối lộ. Trước đó, có đơn của một số doanh nghiệp, UBND xã, cá nhân tố cáo đoàn thanh tra này có hành vi ép các doanh nghiệp, UBND xã trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc phải đưa tiền để được xem xét, tạo điều kiện giúp đỡ trong quá trình thanh tra. Một điều đáng nói nữa là trưởng đoàn thanh tra nhận hối lộ này mới được bổ nhiệm làm Phó phòng Phòng chống tham nhũng Thanh tra Bộ Xây dựng được 3 tháng.

Cán bộ được giao nhiệm vụ phòng chống tham nhũng mà lại bị tố cáo vòi vĩnh, ép đòi tiền và rồi bị bắt quả tang nhận hối lộ, làm sao có thể chống được tham nhũng? Người làm nhiệm vụ phòng chống tham nhũng có thể xem là người am tường nhất, hiểu rõ nhất từng đường đi nước bước, từng biểu hiện của tham nhũng, hối lộ, cũng là những người phải được tuyển chọn kỹ lưỡng nhất, có phẩm chất tốt nhất. Nếu họ lợi dụng sơ hở để tham nhũng, tiêu cực cũng vô cùng khó phát hiện, phanh phui. Phân tích như thế để thấy, người “trong nghề” mà bị “bắt tận tay, day tận mặt” như thế hiếm khi xảy ra, song thực tế vẫn và đã xảy ra. Vì thế, những trường hợp khác, công chức khác, viên chức khác không biết đâu mà lần và có lẽ không ít.

Công điện số 724/CĐ-TTg, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ, bảo đảm ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ.

Đấu tranh chống tham nhũng trước hết là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, song việc tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh đó vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của các tổ chức và từng thành viên trong xã hội. Chưa bao giờ phòng chống tham nhũng lại quyết liệt như hiện nay. Và cuộc chiến này không bao giờ dừng lại hay ngơi nghỉ. Bởi trong mọi thời đại, mọi chế độ xã hội, tham ô, tham nhũng luôn là căn bệnh nan giải của các bộ máy nhà nước, cũng là tệ nạn cần bài trừ, lên án. Biết rằng thực thi trong thực tế không dễ, song dù thế nào đi nữa, muốn tiến lên thì không thể bỏ cuộc trong cuộc chiến này.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu