Thứ 5, 28/03/2024 19:39:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:13, 30/05/2020 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội xiii của đảng

Kinh nghiệm làm đường ở Bình Tân và Nghĩa Trung

Quang Minh
Thứ 7, 30/05/2020 | 09:13:00 958 lượt xem
BPO - Đường giao thông là một trong những tiêu chí khó thực hiện ở hầu hết các xã được chọn về đích nông thôn mới, vì cần rất nhiều vốn để thực hiện. Ngoài kinh phí đầu tư của Nhà nước thì nguồn vốn đối ứng trong nhân dân không hề nhỏ. Bên cạnh đó, còn do khối lượng công việc nhiều, tiến độ thi công các tuyến đường phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua. Tuy nhiên, với sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân thì mỗi xã đều đã có cách làm riêng để hoàn thành tiêu chí này.

Người dân Nghĩa Trung đồng lòng

Tuyến đường được đấu nối từ đường trục chính giữa thôn 3 vào Trường mẫu giáo Sao Mai, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng dài 2,2km, trước đây là đường mòn. Do có nhiều thuận tiện trong việc kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế nên người dân khu vực này thống nhất hiến đất để làm đường bê tông rộng 4m. Tổng kinh phí do Nhà nước đầu tư toàn phần trị giá hơn 2,3 tỷ đồng. Toàn tuyến có 54 chủ đất nhưng chỉ 10 hộ dân sinh sống. Để mở rộng lề đường và xây dựng hệ thống thoát nước 2 bên, người dân thống nhất những hộ trực tiếp sinh sống trên tuyến đường đóng góp 90%, còn lại những hộ có đất rẫy hoặc thổ cư trong khu vực đóng góp 10%. Hiện nay, công trình đã được đổ đá, lu lèn nền đường... Gia đình anh Nguyễn Hữu Phước là một trong những hộ hiến đất nhiều nhất với chiều dài 125m, rộng 3m. Anh Phước đang đề nghị xã Nghĩa Trung đo đạc, tách diện tích đất hiến ra khỏi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình để đảm bảo tính pháp lý, thuận tiện trong vay vốn ngân hàng.

Nhà thầu triển khai thi công tuyến đường liên thôn Phước Hòa - Phước Tân của xã Bình Tân, huyện Phú Riềng

Tuyến đường sân bay thuộc thôn 3, xã Nghĩa Trung nối từ vị trí giáp ranh thôn 2, xã Nghĩa Trung sang xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng có bề ngang 4m, dài 970m được hoàn thành cuối năm 2019 đã tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi. Công trình thực hiện với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó Nhà nước hỗ trợ 70%, nhân dân đối ứng 30% trị giá 322 triệu đồng. Gia đình ông Làm Lường Sáng (dân tộc Hoa) là một trong những hộ đóng góp kinh phí đầu tiên và nhiều nhất trên tuyến đường này với số tiền 25,5 triệu đồng. Gia đình ông có 121m mặt tiền, ngoài diện tích làm nhà ở thì còn lại vườn rẫy với tổng diện tích 10 ha trồng các loại sầu riêng, mít Thái và bơ sáp. Ông Sáng nói: “Nhiều năm qua, gia đình tôi và các hộ dân nơi đây đã rất vất vả với tuyến đường đất đỏ nắng bụi, mưa lầy. Việc vận chuyển tiêu thụ nông sản gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, giao thông không thuận tiện nên giá bán các loại nông sản cũng bị giảm so với những nơi khác. Do vậy, khi Ban điều hành thôn 3 phát động làm đường bê tông thì gia đình tôi tiên phong đóng trước với mong muốn có đường bê tông sớm ngày nào đỡ thiệt ngày đó”.

Ông Phan Văn On, Trưởng thôn 3, xã Nghĩa Trung cho biết: “Mỗi tuyến đường có vị trí quan trọng khác nhau, do vậy thôn chọn những tuyến trọng yếu tổ chức triển khai làm trước. Nhờ làm tốt tuyên truyền nên quá trình vận động nhân dân đóng góp rất thuận lợi. Đến nay, thôn 3 chỉ còn 4 tuyến đường phải đổ bê tông với tổng chiều dài trên 2km, đợi có xi măng của tỉnh hỗ trợ sẽ đồng loạt thi công”.

Bình Tân phát huy tổng lực

Những ngày đầu tháng 5-2020, khu vực cống hộp thuộc tuyến đường liên thôn Phước Hòa - Phước Tân của xã Bình Tân, huyện Phú Riềng được nhà thầu triển khai thi công sôi nổi. Dưới cái nắng luôn ở ngưỡng 34-350C, hơi nóng hầm hập bốc lên rát mặt nhưng những người thợ lái máy múc, máy lu, máy gạt vẫn hăng say lao động để bù lại khối lượng công việc trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tiếng máy móc, cơ giới vận hành sôi động khiến cán bộ và nhân dân phấn khởi. Ông Hồ Sỹ Nông, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Phước Hòa, xã Bình Tân, cho biết: Trước đây không có đường nên người dân phải đi xuống lòng suối để qua lại 2 bên sản xuất rất vất vả và nguy hiểm. Còn muốn an toàn thì phải đi vòng với quãng đường gần 10km. 

Hiểu được lợi ích cũng như tầm chiến lược của tuyến đường này, 7 hộ dân và một số doanh nghiệp đã tự nguyện hiến đất với tổng chiều dài trên 1km, rộng 12m để mở đường. Tổng mức đầu tư 6,9 tỷ đồng, toàn bộ kinh phí do nhân dân và doanh nghiệp đóng góp. Trong đó, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh ở thôn Phước Tân vừa hiến đất làm đường vừa hiến đất làm nhà văn hóa thôn và đóng góp hơn 2 tỷ đồng tiền mặt. Bà Thanh quan niệm: “Mỗi hộ hiến một chút sẽ có các công trình phúc lợi. Khi đó, điều kiện kinh tế khu vực này phát triển thì trong đó có nhà mình”.

Hết tháng 4-2020, 100% tuyến đường trục chính, đường xương cá của thôn Phước Lộc, xã Bình Tân hoàn thành và hệ thống điện chiếu sáng cũng được xây dựng hoàn chỉnh. Đây là một trong 3 thôn vừa hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ông Trần Nam Liên, Trưởng thôn Phước Lộc cho biết: “Để có được kết quả này, từng hộ dân và mỗi cán bộ, đảng viên đều nhận thức rất rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc đóng góp xây dựng, do vậy hộ nào cũng cố gắng hoàn thành. Những hộ kinh tế khó khăn, thôn cho mượn tiền để trả nhà thầu”. 

Ông Đỗ Đức Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân cho biết: “Năm 2020, Bình Tân là xã duy nhất của huyện Phú Riềng được chọn về đích nông thôn mới. Xác định được tầm quan trọng của tiêu chí đường giao thông nên xã đã tập trung phát huy tổng lực để thực hiện. Đến tháng 5-2020, tiêu chí về đường giao thông của xã Bình Tân đã đạt trên 98%”.

  • Từ khóa
54786

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu