Thứ 6, 19/04/2024 06:46:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:49, 30/05/2019 GMT+7

Kinh tế tập thể thời đại 4.0

Thứ 5, 30/05/2019 | 07:49:00 136 lượt xem

BP - Theo số liệu công bố ngày 28-5, tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-2002 Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, 46 trong số 168 hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh hiện nay đã ngưng hoạt động chờ giải thể. Các HTX có tổng vốn hoạt động 1.101,4 tỷ đồng, trung bình 6,6 tỷ đồng/HTX, thế nhưng chỉ có 37,5% số HTX đang hoạt động có lãi. Bên cạnh đó, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 1.335 tổ hợp tác với 11.990 thành viên. Bình quân mỗi tổ hợp tác có doanh thu 130 triệu đồng/năm, lãi 35 triệu đồng/năm. Tỷ lệ đóng góp của kinh tế tập thể cho GDP của tỉnh hằng năm chiếm khoảng 1,15%.

Giả sử mỗi thành viên tổ hợp tác, xã viên HTX tương đương một lao động, thì từ số liệu đã dẫn ở trên cho thấy các HTX, tổ hợp tác đang chiếm xấp xỉ 2% dân số của tỉnh. Còn nếu mỗi thành viên tổ hợp tác, xã viên HTX tương đương một hộ gia đình thì các HTX, tổ hợp tác đang chiếm tương đương 6% tổng số hộ của tỉnh. Thế nhưng kinh tế tập thể, HTX đóng góp chỉ được khoảng 1,15% GDP của tỉnh hằng năm. Đó cũng là lý do khiến mỗi tổ hợp tác bình quân 8,89 thành viên doanh thu chỉ 130 triệu đồng/năm, nếu chia bình quân tiếp chỉ đạt 14,6 triệu đồng/thành viên/năm.

Kinh tế tập thể là một trong 6 thành phần kinh tế của nước ta hiện nay. Thực tế này cho thấy kinh tế tập thể, HTX là thành phần kinh tế quan trọng, là bộ phận không thể thiếu nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển, đóng góp cho nền kinh tế. Điều này đã diễn ra trong một thời gian khá dài và có những mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể không còn phù hợp hoặc không theo kịp sự phát triển.

Thời gian qua, có không ít chính sách hỗ trợ HTX đã được ban hành nhưng còn nhiều bất cập, chưa phù hợp nhu cầu thực tế. Quản lý nhà nước đối với kinh tế hợp tác, HTX còn nhiều hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức so với doanh nghiệp. Mặt khác, kinh tế tập thể, HTX chưa phát huy được tiềm năng và lợi thế của từng địa bàn, khu vực. Đặc biệt xây dựng mô hình HTX, tổ hợp tác sản xuất gắn với chuỗi giá trị gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Phần lớn HTX quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu, năng lực cạnh tranh yếu, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực từ thị trường để đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Khi khoa học, kỹ thuật ngày một chiếm vai trò quan trọng trong cuộc sống, khu vực kinh tế tập thể chưa theo kịp cả về trình độ lao động, quản lý, vốn đầu tư, quy trình kỹ thuật và năng lực sản xuất. Việc hạn chế trong liên kết với doanh nghiệp uy tín để tìm thị trường, bao tiêu sản phẩm cũng là một trở ngại lớn... Tất cả những điều đó khiến cho năng lực cạnh tranh của kinh tế HTX thua xa so với loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thực tiễn phát triển, cũng như các nghiên cứu gần đây trên thế giới về HTX cho thấy, trong thời đại công nghiệp 4.0 và thời đại toàn cầu hóa, không những vai trò và hiệu quả của kinh tế tập thể, vai trò của HTX không giảm đi, ngược lại còn tăng lên. Kinh tế tập thể có nhiều cơ hội, song cũng đối diện với nhiều thách thức, đòi hỏi phải có tư duy mới, giải pháp phát triển mới. Và phát huy được vai trò ấy, kinh tế tập thể, HTX cần có chiến lược phát triển bền vững, hiệu quả và cần được quan tâm đúng mức.

Hưng Nguyên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu