Thứ 6, 29/03/2024 07:10:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:40, 13/08/2019 GMT+7

Nhà nông sáng chế làm đẹp cho đời

Thứ 3, 13/08/2019 | 06:40:00 1,788 lượt xem
BP - Chỉ học hết cấp 3, thế nhưng khi trò chuyện với ông Tạ Tuấn Minh, phường Hưng Chiến (Bình Long), nhiều người nghĩ ông là giảng viên đại học nghỉ hưu hay cựu sinh viên trường kỹ thuật. Những từ ngữ chuyên ngành, bản vẽ kỹ thuật, bản thiết kế 3D được ông trao đổi một cách say sưa. Dù là nông dân chính hiệu nhưng ông có trong tay 3 bằng độc quyền sáng chế do Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp.

55 tuổi, ông Minh nhìn già hơn so với tuổi thật. Nghĩ đến một nhà sáng chế với loạt bằng công nhận của Bộ KH&CN, ai cũng hình dung đó là một người khỏe mạnh và tinh anh. Thế nhưng, ông Minh thì ngược lại. Một bên mắt phải bị hư và cánh tay trái không nguyên vẹn, ông cho biết mất mát này ban đầu từ một tai nạn giao thông, nhưng 3 lần sau đó đều có “tác động” của những lần nghiên cứu mô hình, mày mò chế tạo máy móc...

NIỀM ĐAM MÊ

Tốt nghiệp cấp 3, có nhiều lý do khiến ông không thể theo học các lớp về kỹ thuật, sáng chế. Vì thế, những sáng chế kiến thức áp dụng phần lớn được ông học từ 5 anh chị của mình - những người có cùng đam mê với ông. Năm 1989, khi vừa 25 tuổi, ông bắt đầu chế tạo máy móc. Sản phẩm đầu tiên ông làm là máy phát điện bằng gió. 3 năm sau, ông nghiên cứu và khắc phục nhược điểm bơm ly tâm trục ngang và được người dân khu vực Bình Long áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Tạ Tuấn Minh và các cộng sự đang trao đổi kỹ thuật về cơ cấu túi ngăn ô nhiễm mùi từ hố ga

Có nhiều nhưng sáng chế ông thấy thành công hơn cả là cơ cấu cấp thêm không khí khung nhiên liệu sau chế hòa khí cho động cơ xăng. Đây cũng là mô hình đầu tiên ông được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế vào năm 2007. Ông Minh cho biết: “Học cao và sáng chế là hai khái niệm khác nhau. Học để biết và hoàn thiện sản phẩm từ những điều đã học. Còn sáng chế phải tạo ra cái mới mà chưa được học. Một nhà sáng chế phải kết hợp giữa cái “biết” và cái “học”. Tôi không được đến trường, nhưng mỗi công trình nghiên cứu, đều có những cộng sự, đó có thể là thợ máy, thợ cơ khí, cũng có thể là giảng viên đến từ các trường đại học cùng hỗ trợ. Mỗi người bổ sung ít kiến thức giúp tôi có được một số thành quả như ngày hôm nay”.

Với những khiếm khuyết về cơ thể, mỗi sáng kiến ông Minh nghiên cứu, đó là một quá trình mà mọi người phải ngưỡng mộ. Có ý tưởng, có bản vẽ phác thảo trên giấy, thế nhưng hạn chế từ đôi mắt khiến ông không thể ngồi làm việc trên máy vi tính, ông lại nhờ người vẽ thuê trên bản 3D để có thể nghiên cứu kỹ hơn. Khi có bản mẫu hoàn chỉnh nhất, những cộng sự sẽ đến nhà ông, họ cùng nhau nghiên cứu trong vài ba tháng rồi “trình làng” mô hình của mình.

VÀ ƯỚC MONG LÀM ĐẸP CHO ĐỜI

Ngày 2-1-2019, sau một thời gian nghiên cứu và thí điểm, mô hình cơ cấu nắp cống một chiều ngăn mùi và ngăn thủy triều của ông được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế. Đây là một trong 3 giải pháp ông nghiên cứu dựa trên tình hình thực tế khắc phục mùi hôi từ các hố ga. “Phần lớn cống trước nhà mình đều miệng hở, gây ra mùi rất khó chịu. Nhà có quán cà phê nhỏ, thấy khách than phiền quá nên tôi nghiên cứu và khắc phục. Ý tưởng thoáng qua và tôi vẽ mô hình trong khoảng 1 giờ. Để đưa mô hình vào áp dụng thực tế, tôi nhờ thêm anh em cộng sự hỗ trợ, chứ một mình tôi cũng khó thực hiện” - ông Minh chia sẻ.

Hiện nay, các sở, ngành liên quan đã đồng ý cho tôi thí điểm 2 cơ cấu “Cơ cấu nắp cống một chiều ngăn mùi và ngăn thủy triều” và “Túi ngăn ô nhiễm mùi từ hố ga” tại một số hố ga ở thành phố Đồng Xoài và thị xã Bình Long. Tôi và nhóm cộng sự rất vui. Hy vọng sau khi thí điểm, sáng kiến được áp dụng vào thực tế để khắc phục hạn chế ô nhiễm và những mối nguy hiểm từ hố ga có miệng hở ở các đô thị hiện nay.

Ông Tạ Tuấn Minh cho biết.

Cơ cấu nắp cống một chiều ngăn mùi và ngăn thủy triều trị giá 750 ngàn đồng/sản phẩm, gồm khung nắp cống và nắp cống một chiều. Với nguyên tắc hoạt động khi không có nước đổ xuống nắp cống một chiều ở trạng thái đóng nhờ trọng lượng riêng của nắp làm bịt kín cửa thoát nước của hố ga, ngăn không cho mùi hôi và rác thải tràn ra ngoài. Khi có nước mưa tràn xuống, dòng chảy sẽ đẩy nắp cống mở ra và nước sẽ thoát vào hố ga.

Là một trong 2 cộng sự hỗ trợ ông Minh trong quá trình thi công, anh Lê Đình Đại, nhà ở Đồng Nai cho biết: “Tôi là thợ cơ khí, khi nghe chú Minh đặt vấn đề thực hiện mô hình, tôi rất hào hứng và sẵn sàng hỗ trợ. Chú có ý tưởng, sáng kiến hay nhưng điều kiện sức khỏe không cho phép. Chúng tôi kết hợp với chú, vừa học hỏi điều hay ở chú vừa đi thi công cho người dân có nhu cầu để nâng cao tay nghề”.

Ngay sau khi sáng chế “Cơ cấu nắp cống một chiều ngăn mùi và ngăn thủy triều” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền, ông Minh đã liên hệ Sở KH&CN để kiến nghị lắp đặt thí điểm mô hình này. Đồng thời, trong quá trình nghiên cứu ông cũng đề ra thêm giải pháp “Túi ngăn ô nhiễm mùi từ hố ga” để áp dụng cho các hố ga thuộc công trình xây dựng cũ. Từ buổi làm việc trực tiếp giữa Sở KH&CN và kiến nghị của tác giả, ngày 18-7 vừa qua, Hội đồng sáng kiến tỉnh đã lấy ý kiến của các sở, ngành về kiến nghị lắp đặt thí điểm mô hình của ông Minh. Qua đó, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đánh giá cao mô hình và hy vọng khi áp dụng thực tế sẽ khắc phục được những hạn chế ở các hố ga hiện nay.

Thanh Nga

  • Từ khóa
2297

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu