Thứ 5, 28/03/2024 20:03:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:00, 19/04/2019 GMT+7

Làm gì để hạn chế doanh nghiệp giải thể?

Thứ 6, 19/04/2019 | 08:00:00 104 lượt xem

BP - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý 1/2019, cả nước có 28.451 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 375,5 ngàn tỷ đồng, tăng 6,2% về số DN và tăng 34,8% số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số DN hoàn tất thủ tục giải thể lại tăng 23,9% so với cùng kỳ (4.116 DN); 14.761 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,8% so với cùng kỳ và 15.331 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Bình Phước cũng không ngoại lệ, bởi cũng thời gian này, toàn tỉnh thành lập được 224 DN với số vốn đăng ký 1.904 tỷ đồng, nhưng lại có đến 20 DN giải thể và 120 DN tạm ngừng hoạt động.

Thực tế nêu trên cho thấy, tuy số DN thành lập mới tăng mạnh, nhưng số lượng DN giải thể hoặc phải ngừng hoạt động vẫn ở mức rất cao. Đáng báo động là các DN giải thể chủ yếu ở khu vực kinh tế tư nhân (DN nhỏ và vừa). Tình trạng DN giải thể, ngưng hoạt động nhiều là do tác động của kinh tế thế giới, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ giảm, trong khi phần lớn DN hoạt động phụ thuộc vào xuất khẩu. Kế đến là cách thức quản lý ở một số bộ, ngành, địa phương có sự thay đổi, cải cách nhưng không đồng đều; nhiều quy định của pháp luật chưa cụ thể, thiếu nhất quán; kinh doanh ngầm, phi chính thức vẫn còn lớn dẫn đến rủi ro hoạt động đầu tư, kinh doanh cao; không ít cán bộ, công chức vẫn cố tình gây khó khăn, phiền hà cho DN, người dân... Ở Bình Phước, ngoài bị ảnh hưởng từ những yếu tố đã nêu thì còn nguyên nhân quan trọng là những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường đã tạo điều kiện cho các loại sâu, bệnh phát triển nên các mặt hàng nông sản chủ lực liên tục mất mùa, rớt giá... Trong khi phần lớn DN nhỏ và vừa hoạt động chuyên về sản xuất, thu mua, chế biến nông sản.

Vẫn biết, trong quá trình đào thải của thị trường, DN giải thể, tạm ngừng hoạt động là tất yếu, nhưng khi con số đó lớn hơn so với bình thường và diễn ra trong thời gian dài thì điều này không còn là chuyện bình thường. Bởi DN giải thể và ngưng hoạt động nhiều không chỉ nói lên sự yếu kém của nền kinh tế mà đáng lo ngại hơn là kéo theo những hệ lụy, như việc làm cho lao động giảm, kinh tế đất nước suy giảm, môi trường đầu tư kém hấp dẫn... Đơn cử như khi người lao động không có việc làm, sức mua giảm, hàng hóa trên thị trường không tiêu thụ được sẽ kéo theo các DN khác làm ăn thêm khó khăn.

Để hạn chế tình trạng DN giải thể, ngừng hoạt động, tiên quyết vẫn là thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó chú trọng giải quyết một cách thực chất, hiệu quả những vấn đề có tác động lớn, trực tiếp đến hoạt động của DN. Các cấp và ngành chức năng cần có sự nghiên cứu đánh giá, dự báo các yếu tố ảnh hưởng, xu hướng vận động, khả năng phát triển các lĩnh vực đầu tư kinh doanh để có sự điều chỉnh chính sách kịp thời, phù hợp. Bổ sung nguồn lực con người, cải thiện hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành, giải quyết tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ... Nhất là phải đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ DN nhỏ và vừa một cách toàn diện để nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời thực hiện nghiêm Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Lâm Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu