Thứ 5, 25/04/2024 16:02:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:54, 06/09/2020 GMT+7

HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ TỈNH BÌNH PHƯỚC LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020-2025

Lan tỏa tình yêu rừng

Lệ Quyên - Phạm Tăng
Chủ nhật, 06/09/2020 | 07:54:00 1,247 lượt xem
BPO - Hơn 10 năm nhận khoán bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập với diện tích 2.000 ha, cộng đồng thôn 8, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập không chỉ hoàn thành xuất sắc công tác quản lý, bảo vệ rừng mà còn lan tỏa tinh thần yêu rừng đến từng hộ dân trong khu dân cư. Từ đó góp sức để mỗi người dân đều là “tai, mắt”, là “hàng rào” vững chắc bảo vệ đại ngàn xanh và bình yên trong khu vực.

CHỐT LÀ NHÀ, RỪNG LÀ TÌNH YÊU

Hơn 10 năm nay, ông Điểu Mun, Bí thư Chi bộ thôn 8 (xã Bù Gia Mập) và 68 thành viên khác của Tổ nhận khoán bảo vệ rừng đã thông thạo đường rừng, thuộc tên từng loài cây, nhớ vị trí của từng cây cổ thụ. Địa bàn được giao bảo vệ của tổ nhận khoán giáp tỉnh Đắk Nông, khu vực khá phức tạp về tình trạng phá rừng, săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã. Từng công tác trong ngành công an nên ông Điểu Mun chủ động, linh hoạt trong việc áp dụng nghiệp vụ triển khai vào nhiệm vụ bảo vệ rừng. Nhiều ý đồ, hành vi của lâm tặc cũng từ đó bị phát giác, triệt phá.

Một buổi tuần tra của tổ nhận khoán bảo vệ rừng thôn 8, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập

Để công việc bảo vệ rừng đem lại hiệu quả, Tổ trưởng, Tổ phó sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, từng ca trực đảm bảo khoa học và công bằng. Ngoài tổ chức trực tại chốt 24/24 giờ, cộng đồng thường xuyên kiểm tra, tuần tra, bảo vệ khu vực nhận khoán để kịp thời ngăn chặn các hành vi phá rừng làm rẫy, săn bắn, bẫy bắt động vật rừng. Tổ cũng phối hợp nghiêm với Tổ kiểm lâm cơ động của Hạt kiểm lâm, Trạm kiểm lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập để kiểm tra, truy quét trên diện tích nhận khoán. Nhờ áp dụng những biện pháp đồng bộ nên thời gian qua, khu vực nhận khoán của cộng đồng tình hình vi phạm lâm luật giảm mạnh; đã có hàng trăm đường dây bẫy với hàng ngàn cái bẫy đã được tháo gỡ.

Thông thường mỗi lần vào rừng, các thành viên sẽ ở lại khoảng 6-7 ngày, đồng nghĩa với việc phải đem theo tư trang, nhu yếu phẩm cần thiết cho những ngày biệt lập với thế giới bên ngoài. Ở trong rừng, lo ngại nhất là gặp những trận mưa rừng, dễ phải nhịn đói vì củi ướt, không nấu được cơm ăn, hoặc gặp thú dữ ban đêm. Do đó, tất cả thành viên của tổ phải đoàn kết để đối phó với những diễn biến xấu do khách quan của ngoại cảnh. “Đâu đó, kẻ xấu vẫn lẻn vào rừng, đem theo súng tự chế để săn, bắn động vật hoang dã. Khi ấy, những người bảo vệ rừng như chúng tôi cũng luôn chủ động các tình huống để đối phó, có thể nguy hiểm đến bản thân” - ông Điểu Mun trầm ngâm nói.

NGƯỜI DÂN LÀ “TAI, MẮT”

Song song với công tác tuần tra, bảo vệ rừng thì phòng, chống cháy rừng cũng được cộng đồng thôn 8 quan tâm và luôn chú trọng đặc biệt. Đặc thù khu vực nhận khoán của cộng đồng là có nhiều lồ ô, lại gần khu vực người dân sinh sống nên hằng năm, cộng đồng luôn thực hiện tốt công tác phòng cháy rừng như phát ranh phòng cháy, thực hiện đốt trước đối với những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, đồng thời chuẩn bị kỹ các dụng cụ chữa cháy như: rựa, cào, chổi, chậu… để kịp thời xử lý khi xảy ra cháy rừng.

Ông Điểu Mun và các thành viên tổ nhận khoán bảo vệ rừng đo đường kính 1 cây cổ thụ trong rừng

Theo các thành viên, những ngày đầu nhận khoán rất vất vả, bởi không chỉ đối mặt với thách thức từ bên ngoài là những kẻ lợi dụng sơ hở để khai thác lâm sản mà ngay chính bà con trong thôn cũng chưa ý thức được việc bảo vệ rừng là quan trọng cho môi trường sinh thái, cho thủy điện và tương lai của con cháu. Do đó, một mặt phải bố trí các thành viên trong tổ trực ở những khu vực có nguy cơ cao, mặt khác, phải liên tục tuyên truyền bà con thông qua những buổi họp thôn và thông qua chính những thành viên bảo vệ rừng. Để thay đổi thói quen là điều không dễ, bởi cộng đồng thôn 8 chủ yếu là người dân tộc thiểu số, cuộc sống dựa vào rừng. Chính vì vậy, từng thành viên trong tổ phải là tuyên truyền viên tích cực để vận động người dân không được vào rừng, mà tìm những công việc khác có thu nhập cao, ổn định hơn. Từ một gia đình nâng cao ý thức, không vào rừng sẽ tác động đến các hộ khác xung quanh, dần dần không ai nghĩ đến chuyện vào rừng khai thác cây hoặc sẽ không còn hành vi tiếp tay cho lâm tặc. Thậm chí đến nay, người dân đã là những “tai, mắt” của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng.

“Trong các cộng đồng bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập, cộng đồng thôn 8 thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ rừng, từ đó đem lại hiệu quả cao, tạo nên sự cộng hưởng trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ rừng” ở địa phương. Nếu như những ngày đầu, thôn 8 chỉ có khoảng 20 hộ tham gia bảo vệ rừng thì đến nay đã có 68 hộ. Đặc biệt, mọi người dân trong thôn đều rất ý thức trong công tác bảo vệ rừng, chòng chống cháy rừng. Cộng đồng đã được nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh, riêng cá nhân ông Điểu Mun được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”.

Phó giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập Cao Ngọc Long

Anh Điểu Tình đã có 8 năm tham gia công tác bảo vệ rừng, cho biết: Ban đầu, tôi cũng không thích công việc bảo vệ rừng nhưng dần dần thấy thích vì vừa được về với thiên nhiên, làm việc có ý nghĩa, lại có thêm thu nhập cho gia đình. Thanh niên chúng tôi giờ ai cũng muốn tham gia bảo vệ rừng cho vườn quốc gia. Còn anh Điểu Rở tâm sự: Không chỉ tôi mà bây giờ cả gia đình và họ hàng tôi đều ý thức rất tốt trong công tác bảo vệ rừng. Với trách nhiệm của mình, tôi sẽ tích cực hơn với nhiệm vụ được giao, nhất là tuyên truyền cho bà con trong thôn hiểu được rằng: Đã là rừng cấm thì không vào rừng.

  • Từ khóa
94750

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu