Thứ 5, 18/04/2024 21:14:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:33, 27/05/2020 GMT+7

Luật Chăn nuôi chưa vào cuộc sống

N.V
Thứ 4, 27/05/2020 | 08:33:00 602 lượt xem
BPO - Luật Chăn nuôi đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 19-11-2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều quy định trong luật này vẫn chưa đi vào cuộc sống. Cụ thể tại Điều 54 của luật này có quy định: Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã.

Và theo quy định tại Điều 4 trong Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi, thì: Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi về loại, số lượng vật nuôi. Theo đó, loại vật nuôi và số lượng vật nuôi tối thiểu phải kê khai, gồm: Trâu, bò, ngựa, lợn nái, lợn đực gống, chó, mèo..., từ 1 con trở lên; dê, cừu, heo thịt, từ 5 con trở lên... Và cũng theo quy định tại thông tư này, tổ chức, cá nhân chăn nuôi thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi từ ngày 25 đến ngày 30 của tháng cuối quý theo biểu mẫu quy định tại thông tư này.

Như vậy, việc kê khai hoạt động chăn nuôi của các cá nhân, hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi với UBND cấp xã là quy định bắt buộc. Song, thực tế hiện nay cho thấy, trong cả nước nói chung và ở Bình Phước nói riêng, việc này mới chỉ được thực hiện đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung hoặc các trang trại, còn trong các hộ gia đình thì việc này vẫn đang được bỏ ngỏ. Đây là nguyên nhân dẫn đến các số liệu thống kê về chăn nuôi của cả nước cũng như từng địa phương với các ngành chức năng không hoàn toàn chính xác, thậm chí chênh lệch nhau nhiều. Vì việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình chưa được kê khai, mà thường là do các địa phương tự ước số lượng rồi công bố.

Và chính điều này mà công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở mỗi địa phương gặp không ít khó khăn. Đó là việc khi dịch cúm gia cầm hoặc dịch tả Châu Phi trên đàn heo xảy ra vừa qua, nhiều địa phương không thống kê được chính xác tổng đàn để chuẩn bị cơ số thuốc cũng như nhân sự cho việc phòng chống dịch bệnh. Vì thế, việc dập dịch vừa khó khăn vừa kéo dài. Thậm chí có địa phương vì người dân không kê khai nên khi dịch bệnh xảy ra thì số gà, vịt hay heo bị tiêu hủy được thống kê để Nhà nước hỗ trợ lại cao hơn số gia cầm, gia súc chăn nuôi trên địa bàn đã được thống kê trong báo cáo hằng năm của chính quyền địa phương.

Việc không kê khai hoạt động chăn nuôi của người dân đã dẫn đến những hệ lụy khó lường. Ví dụ như, do không kê khai nên chính quyền không nắm nên không vận động, không tuyên truyền việc thực hiện tiêm phòng ngăn ngừa chó, mèo mắc bệnh dại. Và trong thực tế có không ít trường hợp bị chó dại cắn dẫn đến tử vong. Nguy hại hơn là việc này dẫn đến sự hiểu lầm giữa chính quyền cấp trên với cấp dưới, giữa cơ quan quản lý nhà nước với chính quyền, đặc biệt là từ sự nghi ngờ dẫn đến giảm sút niềm tin của người dân với các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ bồi thường thiệt hại.

Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần sớm ban hành những chế tài cụ thể. Bởi nếu không có chế tài đủ sức răn đe thì dù luật quy định bắt buộc phải kê khai trong hoạt động chăn nuôi, nhưng vẫn đứng ngoài cuộc sống. Tuy nhiên, hình thức và xử phạt như thế nào khi không kê khai cần được cơ quan có thẩm quyền xem xét sao cho hợp lý và quan trọng hơn là được sự đồng thuận của người dân. Có như vậy thì luật mới đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu