Thứ 6, 29/03/2024 20:32:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:29, 29/04/2020 GMT+7

Minh bạch thông tin, rõ ràng lợi ích

Thanh phương
Thứ 4, 29/04/2020 | 08:29:00 246 lượt xem

BPO - Việc 74/79 hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án đường Trường Chinh (nối dài) và dự án đường vành đai đoạn đi qua phường Tân Bình (Đồng Xoài) tự nguyện giải phóng mặt bằng, đồng thuận hiến đất làm đường đã và đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi diện tích đất mà 74 hộ dân này hiến để làm đường lên đến hơn 9 ha. Nếu so sánh với giá thị trường, diện tích này có trị giá vài chục tỷ đồng. “Tấc đất, tấc vàng”, thế nhưng có hộ hiến 2.000m2, 3.000m2, thậm chí có người hiến cả nửa sào đất ở một phường trung tâm và điều này làm chúng ta phải suy nghĩ.

Trước hết, người dân đồng thuận hiến đất xuất phát từ lợi ích của chính mình, vì họ là người đầu tiên được hưởng lợi từ dự án. Những tuyến đường rộng thoáng, sáng trưng ánh điện với cây xanh, vỉa hè sạch đẹp đi qua trước nhà sẽ kéo theo giá trị đất tăng lên, việc kinh doanh dịch vụ thuận tiện, đời sống của người dân càng được nâng cao. Nếu người dân không được hưởng lợi ích gì từ việc hiến đất làm đường giao thông, thì chắc chắn sẽ không có con số như nêu trên. Tương tự là câu chuyện người dân ở nhiều xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới sẵn sàng hiến đất, góp tiền làm đường giao thông nông thôn, chung tay hoàn thành tiêu chí số 2 - tiêu chí rất khó thực hiện do cần vốn lớn.

Đất đai với người dân luôn là một tài sản lớn, thậm chí càng có giá trị hơn nếu mảnh đất đó là do cha ông để lại. Từ câu chuyện ở phường Tân Bình đã gợi mở cho chúng ta suy ngẫm về cách làm, tiếp tục vận dụng hiệu quả mỗi khi cần phải trưng dụng đất của người dân để xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh... Theo Chủ tịch UBND thành phố Đồng Xoài Nguyễn Minh Bình, một trong những lợi ích rất đáng chú ý khi người dân đồng thuận hiến đất làm đường: đó là sẽ không xảy ra vấn đề khiếu kiện, khiếu nại về sau và đây là điều cực kỳ có ý nghĩa.

Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, năm 2019, khiếu nại, tố cáo vẫn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực đất đai. Cụ thể, so với năm 2018 giảm 5,5% số đơn khiếu nại và giảm 6,8% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai chiếm 67,7% trong tổng số đơn khiếu nại (tăng 5,9% so với năm 2018). Tại sao khiếu nại, tố cáo vẫn tập trung ở lĩnh vực đất đai? Bởi, lĩnh vực đất đai đã và đang tác động nhiều đến sự phát triển của xã hội, thậm chí phân hóa giàu, nghèo. Ví dụ việc xây dựng các khu dân cư. Khi thu hồi đất của dân để thực hiện dự án, doanh nghiệp đền bù với giá rất thấp, đến khi đầu tư xây dựng hạ tầng xong bán ra với giá chênh lệch hàng chục, hàng trăm lần so với giá đền bù thì người dân phản ứng là chuyện ai cũng hiểu được. Chung quy cũng vì lợi ích.

Trở lại câu chuyện 74/79 hộ (93,67%) đồng thuận hiến đất làm đường ở phường Tân Bình, bên cạnh sự khéo léo, tuyên truyền vận động  của chính quyền, còn có yếu tố quan trọng nữa là việc minh bạch thông tin, công khai lợi ích đối với người dân nên có được đồng thuận cao. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Vì vậy, vấn đề cốt lõi là phải làm cho người dân hiểu, tin và thống nhất trong hành động. Muốn vậy, cần phải minh bạch thông tin, rõ ràng lợi ích.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu