Thứ 7, 20/04/2024 07:48:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:29, 24/10/2019 GMT+7

Ngăn chặn đội lốt “Made in Vietnam”

Thứ 5, 24/10/2019 | 08:29:00 180 lượt xem
BP - Ngày 21-10, các cơ quan chức năng phát hiện một lô hàng 313 chiếc xe đạp của Trung Quốc thực hiện “công đoạn lắp ráp giản đơn cuối cùng” ở Việt Nam nhưng đã gắn “Made in Vietnam” và làm thủ tục tại Bình Dương để xuất khẩu đi Mỹ. Lô hàng bị tạm giữ để điều tra.

Đây là thủ đoạn không mới, thậm chí có thể nói là phổ biến của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc câu kết với những người làm ăn bất chính ở nước ta để trục lợi, trở thành sâu mọt âm thầm đục khoét nền kinh tế Việt Nam. Không chỉ xe đạp, rất nhiều mặt hàng khác của Việt Nam cũng bị Trung Quốc, doanh nghiệp Trung Quốc, gian thương Trung Quốc và cả gian thương nước ta sử dụng uy tín, đội lốt, gắn xuất xứ “Made in Vietnam” hòng trục lợi. Cũng không chỉ đội lốt để xuất khẩu, hàng hóa Trung Quốc còn gắn “Made in Vietnam” để bán ra chính thị trường Việt Nam. Bị phát hiện tạo nên bức xúc rất lớn gần đây là vụ một công ty nhập linh kiện rồi xé nhãn Trung Quốc, lột tem và dán tem nhãn “Made in Vietnam” vào để bán tivi ra thị trường cho người tiêu dùng Việt Nam...

Trong thời điểm cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và một số quốc gia khác đang diễn ra mạnh mẽ, tình hình này càng nóng hơn. Xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước đã rất nhiều lần lên tiếng cảnh báo, xử phạt về việc này. Nếu bị phát hiện, bị tịch thu xử lý, không những các lô hàng này không thể hoàn tất hành trình đội lốt, mà còn bị tịch thu - nghĩa là mất trắng, thậm chí còn bị xử phạt bổ sung, có thể còn bị khởi tố, truy tố. Thế nhưng, vì sao cách gian lận này vẫn diễn ra, vẫn còn đất sống?

Tháng 6-2019, tờ South China Morning Post - một nhật báo có số lượng phát hành rất lớn của Trung Quốc, trong một bài viết đã “cảnh báo” rằng Việt Nam đang tăng cường kiểm soát hàng “đội lốt” để làm giả nguồn gốc xuất xứ, cũng như tác động hành động này đến tăng trưởng GDP của cả Việt Nam và Trung Quốc như thế nào. Bài viết có nội dung “cảnh báo”, song cũng là “bật đèn xanh” cho những doanh nghiệp nhỏ lẻ của Trung Quốc cần lối thoát trong cơn bão thương mại. Không tìm cách ngăn chặn, sự gian dối này còn được “vẽ đường cho hươu chạy” - quả là một thủ đoạn rất đáng sợ trong kinh doanh. Nó không chỉ làm lợi cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế Trung Quốc, mà còn làm tổn hại nghiêm trọng tới doanh nghiệp cùng lĩnh vực của Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam, uy tín của Việt Nam với bạn bè, đối tác trên thế giới. Và bởi nếu cơ quan chức năng của Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ sẽ không thể có hàng hóa “Made in Vietnam” lại được sản xuất tại Trung Quốc, càng không thể “Made in Vietnam” lại xuất khẩu... sang Việt Nam.

Quy trình sản xuất, gia công sản phẩm ngày càng phức tạp. Vì thế, cũng có nhiều cách ghi xuất xứ sản phẩm đúng với thực tế, như “Made in Vietnam” (sản xuất tại Việt Nam), “Assembled in Vietnam” (lắp ráp tại Việt Nam), “Distilled and bottled in Vietnam” (chưng cất và đóng chai tại Việt Nam)... Một bộ phận người tiêu dùng nước nhập khẩu những loại hàng hóa này có thể hiểu nhầm đó là sản phẩm do Việt Nam sản xuất, song cơ bản vẫn thông tin đúng sự thật và khó có thể lừa dối được người tiêu dùng hiểu biết. Nhưng với người tiêu dùng Việt Nam, các cách ghi như vậy đại bộ phận chưa phân biệt được, vẫn dễ mắc bẫy.

Song cách nào đi nữa, các thủ đoạn của Trung Quốc cũng không thể trót lọt, không thể thành công nếu như không có sự tiếp tay của một số doanh nghiệp, cá nhân làm ăn bất chính. Và vì thế, cách ngăn chặn hữu hiệu nhất vẫn là kiểm soát chặt chẽ, xử lý thật nghiêm, bắt đầu từ chính doanh nghiệp, cá nhân người Việt Nam nhưng lại tiếp tay cho Trung Quốc.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu