Thứ 4, 17/04/2024 02:39:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:10, 31/03/2020 GMT+7

Nguồn nhân lực y tế tỉnh - thực trạng và cú huých - Bài 1

Thanh Liêm
Thứ 3, 31/03/2020 | 07:10:00 1,343 lượt xem
BPO - Những năm qua, ngành y tế tỉnh luôn trong tình trạng thiếu hụt lớn nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ bác sĩ. Trước thực trạng đó, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán nhân lực và điều này hứa hẹn mang lại hiệu quả thiết thực.

BÁC SĨ VỪA THIẾU VỪA YẾU

Hiện nay, các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh đang gặp khó khăn trầm trọng về nguồn nhân lực, nhất là thiếu đội ngũ bác sĩ chuyên khoa và chuyên khoa sâu. Điều này dẫn đến tình trạng bệnh nhân phải về Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh điều trị làm mất thời gian, tốn kém chi phí cho bệnh nhân và người thân.

Bác sĩ vừa thiếu vừa yếu

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Long, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Phước Long cho biết: Ngành y tế thị xã đang thiếu hụt nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng (hiện thiếu 14 bác sĩ, dự báo đến năm 2025 thiếu 26 bác sĩ). Mặt khác, cơ cấu nhân lực đang mất cân đối theo ngành đào tạo, theo tuyến; công tác đào tạo và sử dụng cán bộ y tế chưa hợp lý, chưa theo kịp nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày một tăng. Không những thế, đội ngũ cán bộ y tế địa phương còn thiếu kiến thức chuyên sâu hoặc chưa có kỹ năng quản lý hiện đại như phân tích, dự báo tình hình; một số nhân viên tác phong làm việc chưa khoa học, kỹ năng giao tiếp còn hạn chế, chưa được trang bị tốt về kiến thức tin học, trình độ ngoại ngữ nên ảnh hưởng đến khả năng tự học để nâng cao trình độ chuyên môn. Trong khi đó, chế độ phụ cấp đối với cán bộ, nhân viên ngành y tế còn thấp, chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với lao động đặc thù của ngành.

Hiện các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh gặp khó khăn lớn về nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ bác sĩ chuyên khoa và chuyên khoa sâu. Trong ảnh: Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh phẫu thuật mắt cho bệnh nhân

Cũng theo bác sĩ Long, tâm tư nguyện vọng của các bác sĩ về công tác tại địa phương ngoài chính sách hỗ trợ kinh phí còn cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất, môi trường làm việc thuận lợi, đầy đủ trang thiết bị. Trung tâm Y tế thị xã Phước Long có 210 giường bệnh, gồm 233 nhân lực, trong đó có 34 bác sĩ. Hiện bệnh viện mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương.

Tiến sĩ, bác sĩ Quách Ái Đức, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Bệnh viện đa khoa tỉnh cũng trong hoàn cảnh tương tự, đang gặp khó khăn rất nhiều về nguồn nhân lực, nhất là thiếu hụt đội ngũ bác sĩ chuyên khoa, chuyên khoa sâu. Điều này dẫn đến tình trạng bệnh nhân phải về Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh... điều trị làm mất thời gian và tốn kém chi phí cho bệnh nhân và người thân. Hiện Bệnh viện đa khoa tỉnh có gần 700 cán bộ, nhân viên nhưng chỉ 90 bác sĩ, thiếu hơn 50 bác sĩ, dự báo đến năm 2025 thiếu 81 bác sĩ. Cùng với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, bệnh viện cũng đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh. Hiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của bệnh viện chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Mặc dù đội ngũ bác sĩ thiếu và yếu trầm trọng là vậy nhưng công tác tuyển dụng lại không thể thực hiện, vì không có nguồn.

Bác sĩ Quách Ái Đức chia sẻ: “Năm 2015, Sở Y tế thông báo tuyển dụng 16 bác sĩ nhưng chỉ tuyển được 4. Năm 2016, Sở Y tế thông báo tuyển dụng 146 bác sĩ nhưng chỉ tuyển dụng được 21 bác sĩ; mặc dù chỉ tiêu thông báo tuyển dụng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Bình Phước, trang thông tin điện tử của Sở Y tế, gửi đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và niêm yết công khai tại Sở Y tế”.

Bác sĩ bỏ bệnh viện công  ra làm tư

Theo Sở Y tế, trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay, ngành y tế có 53 bác sĩ xin nghỉ việc. Trong số bác sĩ nghỉ việc, nhiều người đang giữ chức vụ, có thâm niên công tác lâu năm, trình độ chuyên môn cao. Bên cạnh đó, một số bác sĩ trẻ mới ra trường đến công tác tại các đơn vị chỉ một thời gian ngắn cũng xin nghỉ việc. Đa số là do mức lương quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống, không tương xứng với thời gian đào tạo; cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu thực hành y khoa, môi trường công tác chưa thuận lợi. Các bác sĩ xin nghỉ việc để làm việc trong lĩnh vực y tế tư nhân nhằm được chi trả mức lương cao hơn gấp nhiều lần so với làm việc trong các cơ sở y tế nhà nước.

Bác sĩ N.C.C, 48 tuổi, đã nghỉ việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh sau gần 20 năm công tác để chuyển đến làm việc tại một bệnh viện tư nhân ở thành phố Đồng Xoài, tâm sự: “Về Bình Phước công tác từ những ngày đầu thành lập bệnh viện (Bình Phước tái lập năm 1997) nhưng tôi quyết định xin nghỉ việc và đã được giải quyết theo nguyện vọng. Trước khi xin nghỉ tại nơi mình đã gắn bó gần 20 năm, tôi cũng đắn đo, suy nghĩ cả năm trời nhưng cuối cùng cũng phải quyết định, bởi thu nhập quá thấp, cuộc sống không thể mãi khó khăn vậy được. Qua gần 20 năm công tác, lương hằng tháng được hơn 6 triệu đồng cộng thêm tiền phụ cấp ưu đãi nghề cũng chỉ được hơn 7 triệu đồng. Hiện nay, tôi đang làm tại một bệnh viện tư nhân, thời gian có gò bó nhưng bù lại thu nhập tăng hơn gấp đôi nên kinh tế gia đình tương đối ổn định”.

Liên kết đào tạo bác sĩ từ nguồn tại chỗ

Để giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực cho ngành y tế Phước Long, bác sĩ Lê Thanh Long đề xuất: Tỉnh cần có chiến lược ngắn hạn và dài hạn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế hiện có và chuẩn hóa cán bộ ngành y tế. Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế theo vị trí việc làm để có tính chuyên sâu hơn. Động viên và tạo điều kiện để nhân viên y tế nâng cao ý thức tự rèn luyện chuyên môn, y đức, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, cần có chế độ khen thưởng kịp thời, có kế hoạch luân chuyển, điều động hợp lý cán bộ y tế từ nơi thừa đến nơi thiếu. Song song đó là chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài một cách rõ ràng, khả thi và có ý nghĩa để nhân lực ngành y, đặc biệt là bác sĩ có trình độ chuyên môn cao về công tác tại địa phương. Ưu tiên đào tạo cán bộ, viên chức hoặc những người có tâm huyết về công tác tại những nơi khó khăn. Bên cạnh đó, trang bị thêm thiết bị y tế cần thiết, phù hợp cho tuyến y tế cơ sở (đặc biệt là tuyến xã, vùng sâu, xa,...).

Từ góc độ quản lý, bác sĩ Quách Ái Đức đề xuất: Để việc đào tạo mang lại hiệu quả, tỉnh nên thực hiện liên kết với các trường y có uy tín như: Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Y tế, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch TP. Hồ Chí Minh thuộc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh dưới hình thức đào tạo theo địa chỉ sử dụng đối với nguồn nhân lực tại chỗ.

  • Từ khóa
94693

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu