Thứ 6, 19/04/2024 13:58:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 09:22, 22/11/2015 GMT+7

Nhà giáo làm thêm

Chủ nhật, 22/11/2015 | 09:22:00 259 lượt xem
BP - Nói đến nghề giáo, nhiều người nghĩ ngay đến hiện tượng dạy thêm, học thêm. Nhưng có một thực tế ít ai quan tâm và đặt câu hỏi đó là những thầy, cô dạy môn phụ, thầy cô công tác ở vùng sâu, vùng xa đã và đang làm thêm những công việc gì để lo cho gia đình khi mức lương trung bình thâm niên dưới 10 năm công tác chỉ dao động 3-4 triệu đồng/tháng?

Không có lòng yêu trẻ, giáo viên sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ. Trong ảnh là cô và trò một trường tiểu học ở Bù Đăng trong giờ học Tiếng Việt - Ảnh: T.Phương

Đúng như bật mí của đồng nghiệp, trong vai cần thuê người làm trọng tài giải bóng đá giao hữu, tôi nhanh chóng thiết lập được cuộc hẹn với một giáo viên môn Thể dục tại Trường THCS Tân Phú (Đồng Xoài). Ấn tượng đầu tiên của tôi về thầy đó là vóc người khỏe khoắn, nước da rám nắng nhưng đôi mắt thì tinh nhanh và cái nhìn thật trìu mến. Thầy thẳng thắn đưa ra mức giá “hỗ trợ” là 100.000 đồng/trận và 300-400 ngàn đồng/ngày. Khi được hỏi làm trọng tài là vì đam mê phong trào hay vì lý do kinh tế, thầy không ngần ngại chia sẻ: “Tôi quê ở Thanh Hóa, vợ quê Thái Bình và đang làm điều dưỡng tại bệnh viện. Thu nhập từ lương của hai vợ chồng chưa đến 10 triệu đồng/tháng, ngoài ra không có khoản thu nào khác. Trong khi đó, bao nhiêu khoản phải chi như trả nợ làm nhà, nuôi hai con đang tuổi ăn, học... Để đảm bảo cuộc sống và có chút quà cho cha mẹ hai bên nhân dịp lễ, tết, tôi thường làm trọng tài tại các giải thi đấu giao hữu thể dục - thể thao do các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức và đăng ký với các sân cỏ nhân tạo trên địa bàn thị xã Đồng Xoài để khi có nhu cầu họ sẽ điện thoại “mời”. Mỗi tháng thu nhập thêm khoảng 2-3 triệu đồng”.

Khi được hỏi làm thêm như vậy có ảnh hưởng đến nhiệm vụ tại trường không, thầy cho biết là đôi khi lịch bắt giải có trùng với thời khóa biểu ở trường. Khi đó thì phải ưu tiên cho nhiệm vụ ở trường. Còn lịch bắt ở các sân thường là sau giờ hành chính và ngày nghỉ nên không ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính. Thầy cũng cho biết thêm, tuy làm thêm nhưng dù sao cũng còn đúng với chuyên môn. Bởi sự thật có một số đồng nghiệp ngoài giờ lên lớp còn phải làm thêm rất nhiều việc như bán bảo hiểm, phụ hồ, thợ sơn nước, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Thầy khẳng định, không thầy cô dạy bộ môn phụ nào sống khá giả được bằng đồng lương giáo viên nếu như không có sự hỗ trợ về kinh tế của người thân.

Vậy những môn học nào là môn học chính? Một giáo viên môn Hóa, Trường THCS Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài cho biết: “Tùy theo nhu cầu và điều kiện kinh tế gia đình của mỗi học sinh mà các em chọn học thêm những môn khác nhau. Tuy nhiên, học sinh chủ yếu đăng ký học thêm các môn như: Toán, Tiếng Anh, Hóa, Lý, Văn. Giáo viên càng dạy giỏi thì càng đông học sinh đăng ký học thêm”.

 Chia sẻ của hai thầy cô dạy Hóa và Giáo dục thể chất nhận được rất nhiều sự đồng tình của các thầy cô tại nhiều trường khác nhau. Một giáo viên dạy môn Toán, Trường THCS Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh cho rằng: “Dạy thêm, học thêm chỉ diễn ra chủ yếu ở những trường trên địa bàn thành phố, thị xã và tập trung vào một số môn học phân khối. Học sinh ở vùng biên chúng tôi, một buổi đi học, một buổi ở nhà phụ cha mẹ. Tiền đóng học phí hay mua xe đạp để đến trường còn khó nói gì đến chuyện học thêm. Những giáo viên “được” giao bồi dưỡng học sinh giỏi và dạy phụ đạo cho học sinh yếu trong dịp hè, dẫu biết rằng đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm nhưng không mấy vui vì dạy học hoàn toàn miễn phí. Thú thật, thầy cô nào có điều kiện kinh tế còn yên tâm giảng dạy, còn không là vừa dạy vừa lo tăng gia sản xuất vì đa phần giáo viên trường tôi ở các tỉnh miền Bắc, Trung vào và đều phải tự lập về kinh tế. Có thầy cô từ khi cưới đến khi có hai con lớn rồi cũng chưa có điều kiện về quê thăm nội, ngoại”.

Được biết, chỉ giáo viên từ bậc trung học bắt đầu quy định số tiết/tuần, còn giáo viên mầm non và tiểu học thì hầu như phải có mặt hai buổi/ngày, thời gian dành cho gia đình còn hạn chế nói gì đến chuyện làm thêm. Nhiều thầy cô cho rằng, những năm qua, đồng lương có tăng nhưng giá sinh hoạt lại tăng gấp đôi, gấp ba. Song hầu hết thầy cô đều có suy nghĩ tích cực là “nghề nào nghiệp đó”. Họ tạm hài lòng với cuộc sống thanh đạm của mình và giữ hình ảnh cũng như lòng tự trọng. Và dù có đi làm thêm việc này, việc nọ đi chăng nữa, không vì thế mà các thầy cô giáo bớt yêu nghề, yêu học sinh. Xung quanh chúng ta vẫn còn rất nhiều những tấm gương nhà giáo tâm huyết với nghề, sống thanh đạm và nguyện cống hiến trọn đời cho sự nghiệp trồng người.

Thành Nam

  • Từ khóa
85610

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu