Thứ 5, 18/04/2024 22:10:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:46, 21/06/2020 GMT+7

Nhà báo và tính Đảng của báo chí

Nguyễn Xuyến
Chủ nhật, 21/06/2020 | 08:46:00 644 lượt xem
BPO - Báo chí cách mạng là công cụ của Đảng, có nhiệm vụ phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, đồng thời thể hiện sinh động quan điểm, đường lối của Đảng.

Tính đảng là tính chiến đấu

Trong xã hội có giai cấp, bất luận ở thời đại nào, báo chí cũng đều có tính đảng. Tính đảng là nguyên tắc nền tảng của công tác tư tưởng nói chung và của báo chí nói riêng. Hệ tư tưởng nào cũng có tính giai cấp và được truyền bá bằng báo chí và do đó, mới có tính đảng vô sản hay tính đảng tư sản của báo chí. Báo chí cách mạng phải nêu cao tính đảng trong mọi hoạt động của mình.

Tính đảng của báo chí cách mạng thể hiện ở chỗ, nó phải đi tiên phong trong việc thực hiện mục tiêu, lý tưởng và nhiệm vụ của Đảng.

Tính đảng của báo chí cách mạng, một mặt, phải bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, mặt khác đấu tranh một cách kiên quyết chống lại những tư tưởng thù địch, những quan điểm sai trái, những hiện tượng tiêu cực. Ở phương diện này, tính đảng cũng có nghĩa là tính chiến đấu.

Tính chiến đấu của báo chí cách mạng thể hiện trên ba mặt: đấu tranh phê bình và tự phê bình, đấu tranh lý luận và đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước và trong xã hội. Phát huy tính chiến đấu của mình, báo chí đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Báo chí còn phải làm tốt nhiệm vụ của một trong những lực lượng nòng cốt đấu tranh chống lại những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Báo chí chỉ có sức hấp dẫn mạnh khi nói lên tiếng nói trung thực của Đảng, của nhân dân; khi có tác dụng thức tỉnh lương tâm của những người đang đứng trước khả năng lựa chọn xấu; khi biết biểu dương cái chân - thiện - mỹ trong cuộc sống đấu tranh và lao động của nhân dân.

Uy tín của báo chí càng cao khi báo chí bảo đảm tính khách quan, chân thực, khi báo chí công khai phê bình với lương tâm trong sáng, trách nhiệm cao, với trí tuệ sáng suốt và lòng nhân đạo cao cả.

Để có được những thông tin chính xác, hình ảnh chân thực, sống động chuyển tới độc giả, các phóng viên BPTV không quản ngại khó khăn, vất vả

Đã có một thời, khuynh hướng chính của báo chí là một chiều biểu dương cái thiện, cái tốt. Nêu lên cái tiêu cực, cái xấu là điều kiêng kỵ trên các trang báo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lần nhận xét báo chí ta: “Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta”(1).

Mặc dầu Đảng đã nghiêm khắc phê phán khuynh hướng phiến diện, một chiều nói trên, nhưng cho đến nay, không phải báo chí đã khắc phục hết những lệch lạc đó. Khi đấu tranh chống tiêu cực thì ít chú ý biểu dương nhân tố mới. Ngược lại, khi biểu dương, cổ vũ nhân tố mới thì lại quên chống tiêu cực, hoặc có chống tiêu cực thì chỉ chống những hiện tượng tiêu cực vụn vặt, nhỏ nhặt, chưa chạm đến “trên” và cũng chẳng đụng đến “dưới”.

Báo chí cách mạng phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, phục vụ cho lợi ích của cách mạng. Đây là nguyên tắc cơ bản đảm bảo tính đảng trong hoạt động của báo chí và nhà báo. Tính đảng trong báo chí ở nước ta được thể hiện trong mối quan hệ giữa báo chí với chính trị, đó là sự gắn bó của báo chí với đường lối chính trị và tổ chức của Đảng.

Tính đảng thể hiện nhiều ở nhà báo

Tính đảng của báo chí cách mạng thể hiện ở nhiều mặt, nhưng quan trọng nhất là thể hiện trong suy nghĩ và hành động của nhà báo. Tất cả những yêu cầu về tính đảng thể hiện trên báo chí phụ thuộc trước hết vào nhà báo, vào lương tâm và trách nhiệm của nhà báo.

Gắn bó với cách mạng, bảo vệ cách mạng là truyền thống quý báu của đội ngũ nhà báo chân chính nước ta. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, đội ngũ nhà báo nước ta đã xông pha trên khắp các chiến trường với tư thế của người dũng sĩ mang lý tưởng cao cả. Nhiều nhà báo đã anh dũng hy sinh. Có thể nói lịch sử báo chí cách mạng nước ta là lịch sử đấu tranh kiên cường của đội ngũ nhà báo - chiến sĩ. Không có đội ngũ nhà báo đáng quý đó thì cũng không thể có báo chí cách mạng.

Lê-nin đòi hỏi: “Chúng ta ra sức phấn đấu và theo dõi một cách chặt chẽ nhất, để tính đảng không phải chỉ thể hiện ở lời nói, mà là ở việc làm” (2).

Tính đảng của báo chí đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng đường lối, quan điểm của Đảng, lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lê-nin. Chính vì dựa trên cơ sở của lý luận Mác-Lê-nin mà tính đảng cộng sản gắn chặt với tính khoa học. Đặc điểm khoa học của hệ thống tư tưởng Mác-Lê-nin cho phép nhà báo, khi nắm được nó, có khả năng gắn kết lập trường của Đảng với chân lý khách quan, giúp nhà báo nhận rõ các khuynh hướng phát triển của xã hội và khám phá những khả năng sáng tạo của cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Tất cả những yêu cầu về tính đảng thể hiện trên báo chí phụ thuộc trước hết vào nhà báo, vào lương tâm và trách nhiệm của nhà báo. Nhà báo phải không ngừng phấn đấu để xứng đáng là chiến sĩ tiên phong trong công cuộc đổi mới, xứng đáng là nhà báo cách mạng có tính đảng cao…

Những yêu cầu với nhà báo trong giai đoạn mới

Trong tình hình hiện nay, khi mà toàn cầu hóa kinh tế với cả hai mặt tích cực và tiêu cực đang tác động mạnh mẽ; khi mà mặt trái của cơ chế thị trường đang tạo ra sự phân hóa các nhóm lợi ích trong xã hội, thì báo chí càng phải đương đầu với nhiều thách thức. Nhà báo phải thường xuyên ý thức về tính đảng của báo chí cách mạng, giữ gìn phẩm chất nghề nghiệp và đạo đức trong sáng của người cầm bút - người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng.

Uy tín của báo chí càng cao khi báo chí bảo đảm tính khách quan, chân thực, khi báo chí công khai phê bình với lương tâm trong sáng, trách nhiệm cao, với trí tuệ sáng suốt và lòng nhân đạo cao cả.

Về mặt tư tưởng, tính đảng đòi hỏi báo chí phải tham gia tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến và hình thành dòng tư tưởng chủ lưu tiến bộ trong xã hội mà nền tảng khoa học là học thuyết Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tính đảng đòi hỏi báo chí và nhà báo tiến hành công tác đó với tinh thần tự giác và tay nghề cao. Tính đảng của báo chí cũng đòi hỏi báo chí và nhà báo phải trực tiếp tham gia xây dựng một đời sống tinh thần trong sáng và phong phú trong xã hội. Bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng là một trong những phẩm chất hàng đầu của người làm báo trong thời kỳ mới, nhưng vẫn chưa đủ, nếu như không có năng lực nghề nghiệp.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước đối với báo chí là nhằm mục đích bảo đảm nhu cầu thông tin ngày càng lớn của nhân dân, là tạo điều kiện cho báo chí phát triển đúng hướng, phục vụ có hiệu quả hơn sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Làm báo là làm cách mạng, đòi hỏi nhà báo phải nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đi sát thực tế, tiếp cận được cuộc sống và phải có thái độ khoa học, nghiêm túc trong nghiên cứu, học tập.

Những người làm báo hôm nay luôn phải tự hào về truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, luôn lấy sự nghiệp báo chí cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hoạt động chính trị - nghiệp vụ để tự rèn luyện mình trở thành ngòi bút chiến đấu cho sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

…………………………..                                             

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập - NXB CTQG - H -1996 - T10 - tr614.
(2)
V.I.Lê-nin Toàn tập - NXB TB - Matxcơva - 1974 - T19 - tr140.

  • Từ khóa
34129

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu