Thứ 5, 18/04/2024 15:54:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:35, 23/05/2014 GMT+7

Mưu sinh từ nghề sửa quần áo

Thứ 6, 23/05/2014 | 13:35:00 3,287 lượt xem

Một chiếc xe đẩy, chiếc máy khâu, hộp kim, chỉ đủ các màu, kéo, phấn và vải vụn... là những vật dụng không thể thiếu của hàng chục thợ sửa quần áo ở chợ Đồng Xoài.

Nói đến sửa quần áo, người ta thường nghĩ là đồ cũ cần sửa. Thực ra, nhiều đồ mới từ các shop đôi khi vẫn phải sửa. Sửa quần áo dần trở thành một nghề. Những năm gần đây, nhiều người từng “võ vẽ vá may” cũng ra hè phố với một chiếc máy khâu, mấy bao túi đựng đồ và miếng bìa các-tông ghi nguệch ngoạc dòng chữ “sửa quần áo”. Theo các thợ, thu nhập từ nghề này không cao nhưng tương đối ổn định.

Chị Mai Thanh đang sửa đồ cho khách

Bà Nguyễn Thị Cẩm Lệ (54 tuổi), ở Huế vào Đồng Xoài mưu sinh bằng nghề sửa quần áo cho biết: “Ngồi từ sáng tới tối, có ngày sửa được 25-30 cái quần, áo các loại. Ngày vắng khách cũng được 10-15 cái. Nghề này làm quanh năm”. Bà Lệ đã gắn bó được gần 4 năm, khách hàng sửa quen, rồi giới thiệu cho nhau nên có nhiều người đến sửa. Lên gấu quần jean, thu hẹp hay nới rộng vòng eo mấy chiếc áo cũ, thay khóa, đơm lại cúc... 10 ngàn đồng/cái. Khách hàng đến đây chủ yếu là lao động nghèo nên bà Lệ lấy tiền công “mềm”. May lại vài đường trên áo sơ mi, bà chỉ lấy 5.000 đồng, thay khóa áo khoác giá từ 15-20 ngàn đồng. Sửa quần jean khó hơn và mất nhiều thời gian nên bà lấy từ 20-30 ngàn đồng/cái.

Nghề này ai khéo tay, có sáng tạo thì đông khách. Bởi vậy, họ hiểu rằng cách cạnh tranh tốt nhất vẫn là sửa đẹp, trả đúng hẹn, giá cả phải chăng.

Nghề sửa quần áo không đơn giản vì làm vừa ý khách hàng không dễ. Nhiều người nghĩ nghề này ít vốn, dễ làm, thu nhập ổn định nên chỉ học may qua loa đã hành nghề. Sửa xấu được ví là “thợ vụng mất kim”, lúc gặp khách hàng khó tính dễ sinh cãi cọ dẫn tới mất khách. Chị Mai Thanh (26 tuổi), quê ở Quảng Nam, sinh ra trong gia đình có nghề may truyền thống. Chị vào Đồng Xoài lập nghiệp cùng gia đình từ nhỏ và đã gần 10 năm gắn bó với nghề sửa quần áo. Chị chia sẻ: “Làm nghề này phải tỉ mỉ, cẩn thận, chiều khách. Vì là nghề “lấy công làm lãi” nên ngày đắt hàng bù ngày vắng khách. Sau khi trừ tiền thuê chỗ ngồi, tiền điện, mỗi tháng thu được 3-4 triệu đồng. Theo chị Thanh, may đồ mới đã khó, sửa đồ cho vừa ý khách còn khó hơn. Ngoài ra, người sửa phải biết tư vấn cho khách nên sửa thế nào vừa đẹp vừa phù hợp vì chỉ sơ sẩy một chút là làm hư đồ.

Điều đáng khâm phục ở những người thợ sửa quần áo là phong cách làm việc tỉ mẩn, chuyên nghiệp. Mỗi khách đến sửa đồ đều được thợ ghi nhanh địa chỉ, số điện thoại và yêu cầu của khách vào giấy, kẹp lại rồi xếp ngay ngắn. Nhiều thợ lâu năm còn có cuốn sổ, ghi lại số đo của những khách quen.

Anh Nguyễn Văn Nam, một trong những khách hàng quen thuộc của chị Mai Thanh tâm sự: “Khu phố sửa quần áo trên vỉa hè” (đường số 4 và số 5) có ở chợ Đồng Xoài đã được hơn 10 năm. Nghề này không chỉ giúp thợ sửa quần áo mưu sinh được mà còn là nét đẹp văn hóa ở phố chợ Đồng Xoài”.     

M.Cương

 

  • Từ khóa
49134

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu