Thứ 6, 26/04/2024 14:50:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:43, 27/06/2020 GMT+7

Nhân quyền kiểu Mỹ!

Thảo Linh
Thứ 7, 27/06/2020 | 08:43:00 1,121 lượt xem

BPO - Chỉ 3 tuần sau cái chết của ông George Floyd - công dân Mỹ gốc Phi bị cảnh sát ghì chặt đầu gối đến chết ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota khiến làn sóng biểu tình diễn ra khắp nước Mỹ thì những ngày qua, các thành phố Manhattan, New York của Mỹ tiếp tục trở thành mục tiêu cướp bóc, đập phá của những thành phần biểu tình quá khích khi một người đàn ông da màu khác lại bị cảnh sát bắn chết. Như vậy, năm 2020 mới chỉ trải qua một nửa chặng đường nhưng nước Mỹ đã phải nhiều lần đối mặt với sự bất ổn chính trị mà nguyên nhân trực tiếp bắt nguồn từ sự xung đột sắc tộc. Thế nhưng thật lạ, cứ dịp đầu năm là Bộ Ngoại giao Mỹ lại tự cho mình quyền đóng vai “quan tòa nhân quyền toàn cầu” để phán xét tình hình nhân quyền các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Sự việc công dân gốc Phi bị cảnh sát bắn chết hôm 13-6 vừa qua một lần nữa thổi bùng lên ngọn lửa âm ỉ lâu nay về vấn nạn phân biệt chủng tộc tại nước Mỹ, dẫn tới những làn sóng biểu tình đòi quyền lợi cho người da màu. Tại nhiều thành phố lớn, đoàn người tuần hành chặn các tuyến đường, phóng hỏa và đụng độ với cảnh sát, buộc lực lượng an ninh Mỹ phải sử dụng biện pháp mạnh. Báo chí cho biết thành phố Manhattan những ngày qua bị tàn phá đến mức chưa từng thấy kể từ sự cố mất điện năm 1977. Sự kiện này gây ra tình cảnh hỗn loạn khi nạn cướp bóc và bạo lực cùng nổ ra, gây thiệt hại hàng trăm triệu USD.

Mỹ là quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa. Theo sự ca tụng của những “nhà dân chủ” ở Việt Nam thì Mỹ là đất nước tự do, dân chủ, văn minh, bình đẳng bậc nhất hành tinh. Thế nhưng theo dõi tin tức thời sự thì không ai có thể chối bỏ thực tế: ở Mỹ thường xuyên xảy ra các vụ bạo lực, thảm sát. Mỹ cũng là đất nước diễn ra nhiều nhất các vụ xả súng giết người hàng loạt. Nhưng đáng nói nhất là tình trạng phân biệt chủng tộc, đặc biệt sự kỳ thị của người Mỹ da trắng với cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc gay gắt tại Mỹ không còn trong phim ảnh mà hiện diện hằng ngày trên đường phố khi mới cách đây mấy hôm, mạng xã hội đăng một clip ghi lại cảnh một phụ nữ gốc Philippines bị một phụ nữ da trắng lăng mạ và đuổi khi chị này đang tập thể dục trong công viên ở Nam California.

Những nhà phân tích chính trị đã ví, nạn xung đột sắc tộc tại Mỹ giống như một loại virus, chỉ nằm im chứ không thể bị tiêu diệt hoàn toàn và sẽ phát tác ngay khi có cơ hội. Theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa của các vụ bạo động sắc tộc tại Mỹ không phải chỉ vì mất an ninh hay tội phạm gia tăng, mà là hệ quả của một quốc gia luôn có những vết rạn nứt, thậm chí chia rẽ về chủng tộc mà chưa một đời Tổng thống Mỹ nào giải quyết được tận gốc rễ. Còn nhớ phiên tòa xét xử vụ cảnh sát da trắng bắn chết người đàn ông da đen tại Mỹ vào tháng 6-2018, tòa tuyên án viên cảnh sát bồi thường cho gia đình nạn nhân… 4 USD, nghĩa là chưa tới 100 ngàn đồng Việt Nam. Trong đó, 1 USD dành cho chi phí mai táng, 3 USD còn lại chia cho 3 người con của nạn nhân bị bắn chết là những đứa trẻ 7, 10 và 13 tuổi, mỗi đứa trẻ 1 USD. Khi nghe tòa tuyên án, vợ của người đàn ông da đen bị cảnh sát bắn chết đã bước thẳng ra khỏi phòng xử án mà không thèm nghe nốt những gì còn lại. Đọc tới đây bạn sẽ nghĩ gì? Còn tôi tự hỏi, có phải chỉ ở những đất nước “văn minh, dân chủ với nhân quyền…” như Mỹ thì mạng người mới rẻ đến vậy sao?

Từ nhiều năm qua, những nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người đã đạt được những thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đặc biệt trong xóa đói giảm nghèo, Việt Nam được coi là mô hình thành công của thế giới. Thế nhưng báo cáo nhân quyền hằng năm của Mỹ vẫn đưa ra những chỉ trích không có căn cứ. Cụ thể là bản phúc trình thường niên năm 2020 của USCIRF - một cơ quan được thành lập bởi Quốc hội Hoa Kỳ, có chức năng giám sát tự do tôn giáo trên toàn thế giới và khuyến nghị chính sách cho Tổng thống, Ngoại trưởng và Quốc hội Mỹ công bố ngày 9-6-2020. Dù không dựa trên nguyên tắc cơ bản nhất là khảo sát thực tiễn, bản phúc trình vẫn đưa ra nhận định: “Tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam trong năm 2019 vẫn như những năm trước”; “Chính phủ Hà Nội cầm tù hàng chục cá nhân chỉ vì niềm tin tôn giáo hay quan điểm cổ xúy cho tự do tôn giáo”; “Điều kiện giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam vi phạm những chuẩn mực quốc tế…”. Chưa dừng lại, USCIRF tiếp tục kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt theo Đạo luật Tự do tôn giáo quốc tế.

Hoàn thiện quyền con người là một quá trình mà những ai quan tâm đến Việt Nam đều có thể thấy rõ những nỗ lực không mệt mỏi chúng ta đã làm trong nhiều năm qua. Những quyền tự do cơ bản của công dân được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Và để hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, từ năm 2014 đến nay đã có hơn 100 luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, trong đó có nhiều luật quan trọng như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tín ngưỡng và tôn giáo, Luật Báo chí… Đặc biệt, năm 2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều quy định mới bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động. Cũng trong năm 2019, Việt Nam đã bảo vệ thành công báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR.

Việt Nam đã giải đáp rõ ràng với lập luận vững chắc về chính sách và pháp luật của Việt Nam về quyền con người, cũng như thực tiễn triển khai các nghĩa vụ theo công ước. Vậy mà một đất nước thường xuyên xảy ra xung đột sắc tộc, xả súng, kỳ thị dân tộc… lại tự cho mình quyền được phán xét các quốc gia trên thế giới về quyền con người. Thật đúng là… nhân quyền kiểu Mỹ!

  • Từ khóa
2924

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu