Thứ 6, 26/04/2024 19:40:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:36, 25/06/2020 GMT+7

“Nhân quyền” là như thế?

Hồng Hạnh
Thứ 5, 25/06/2020 | 09:36:00 415 lượt xem

BPO - Hằng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều đặn thực hiện một việc mà chẳng quốc gia nào đồng tình, đó là công bố báo cáo toàn diện về tình trạng nhân quyền trên toàn thế giới. Và như thường lệ, vào ngày 11-3-2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố báo cáo nhân quyền Việt Nam năm 2019. Trong báo cáo này đã liệt kê một số “vi phạm” của chính quyền về việc bắt giam người tùy tiện, tra tấn người bị bắt tạm giam, tình trạng đối xử bất công đối với các tù chính trị và một số vấn đề về tự do ngôn luận, tự do báo chí…

Chiều cùng ngày 11-3-2020, Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách vì dân chủ, nhân quyền và lao động ông Robert Destro, cùng Phó trợ lý Scott Busby chủ trì cuộc họp báo tại Tòa nhà truyền thông quốc gia ở Washington DC giải thích thêm về lý do Chính phủ Hoa Kỳ thực hiện báo cáo nhân quyền hằng năm. Tại buổi họp báo này, ông Robert Destro trình bày lại cam kết của Hoa Kỳ cũng như yêu cầu bức thiết của việc tôn trọng nhân quyền, rằng: Cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc tôn trọng quyền con người phản ánh các giá trị cốt lõi của người Mỹ và nguyên tắc toàn cầu. Chúng tôi cũng nhận biết được rằng, thực chất các nhà hoạt động quốc tế là những nhân tố nổi bật của nhân quyền. Trong báo cáo này, chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền, cũng như mục đích thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và an ninh của Chính phủ Hoa Kỳ với các nước trên thế giới…

Cũng trong buổi họp báo này, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên đài RFA, ông Phó trợ lý Scott Busby cho rằng, vẫn còn một số lĩnh vực về tình hình nhân quyền ở Việt Nam là đáng lo ngại: Chúng tôi cảm thấy rằng nhiều điều luật của Việt Nam vẫn còn rất mơ hồ và thường được áp dụng một cách tùy tiện. Đó là một trong những mấu chốt mà chúng tôi đã đưa ra trong cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam vừa rồi. Chúng tôi còn lo ngại về việc Việt Nam vẫn còn xu hướng bắt giữ người muốn tự do bày tỏ ý kiến của mình như chỉ trích chính phủ. Chúng tôi có nêu ra những lo ngại đó trong cuộc đối thoại vừa rồi, trong đó bao gồm việc kêu gọi Việt Nam hãy trả tự do cho những tù nhân chính trị. Chính phủ Việt Nam phần lớn vẫn tuyên bố rằng những trường hợp này đã vi phạm các điều luật của Việt Nam, vì vậy chính phủ nước này đã lấy lý do đó để kết án họ, chúng tôi không đồng ý với việc này.

Với những nội dung nêu trong báo cáo nhân quyền ở Việt Nam năm 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và những gì mà cả Trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Robert Destro, cùng Phó trợ lý Scott Busby đã trả lời phỏng vấn báo chí…, đã đặt cho người nghe, người đọc trên toàn thế giới phải suy nghĩ. Đó là, Hoa Kỳ hay Việt Nam hoặc bất kỳ một quốc gia nào khác trên hành tinh này đều là đất nước có chủ quyền. Vậy, tại sao nước Mỹ lại tự cho mình cái quyền đánh giá về các quốc gia khác? Ngược lại, các quốc gia khác bị Mỹ đánh giá về tình hình nhân quyền và họ cũng làm như thế với nước Mỹ thì như thế nào? Chính trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ cũng đã khẳng định: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được…”. Và theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì: Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng,… Vâng, đã bình đẳng với nhau thì dù là quốc gia rộng lớn và hùng mạnh đến đâu cũng không thể tự cho mình cái quyền can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác dù nhỏ bé và còn nghèo.

Hơn nữa, từ khi lập quốc đến nay, Nhà nước Việt Nam luôn luôn nhất quán về đường lối ngoại giao là tôn trọng độc lập, chủ quyền; đồng thời không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Đặc biệt hiện nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển quan hệ lên một tầm cao mới với khuôn khổ “Đối tác toàn diện”. Đại sứ Hoa Kỳ Daniel J. Kritenbrink khẳng định: Hoa Kỳ coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực và mong muốn phát triển quan hệ với Việt Nam cũng như ASEAN vì hòa bình, hợp tác và phát triển; thúc đẩy hợp tác tiểu vùng Mêkông… Như vậy, với bản báo cáo nhân quyền nêu trên cho thấy, trong giới lãnh đạo của Hoa Kỳ vẫn còn không ít người mang tư tưởng ích kỷ, hẹp hòi và thậm chí là thù hận. Họ chưa chấp nhận khép lại quá khứ để hướng tới tương lai.

Vấn đề thứ hai muốn đề cập trong bài viết này là, Hoa Kỳ vẫn thường vỗ ngực tự hào rằng đất nước họ là “cái nôi” của nhân quyền, là “trung tâm” của bình đẳng và bác ái… Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác, vì hiện nay, Hoa Kỳ đang chìm ngập trong biểu tình và bạo loạn. Cho đến nay đã có hơn 20 thành phố tại Mỹ áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm nhằm ngăn chặn bạo lực, phá hoại và cướp bóc tài sản do một số đối tượng quá khích gây ra. Cảnh sát đã sử dụng đạn cao su và hơi cay để giải tán đám đông. Trong một số trường hợp, nhiều người qua đường và một số nhà báo, thành viên tổ chức truyền thông cũng đã bị tấn công. Nguyên nhân chính của tình trạng này là nạn phân biệt chủng tộc cố hữu trong lòng nước Mỹ.

Vụ việc sau đây chỉ là một trong hàng trăm ngàn bằng chứng: Đêm 25-5-2020, đồn cảnh sát Minneapolis, bang Minnesota nhận được cuộc gọi từ chủ một cửa hàng rằng, người đàn ông tên George Floyd bị nghi ngờ tiêu thụ tờ 20 USD giả. Cảnh sát ngay lập tức đến hiện trường và bi kịch bắt đầu. Khi đến nơi, 2 cảnh sát da trắng đã lôi Floyd ra khỏi xe. Floyd bị ngã sấp mặt xuống đường, tay bị còng. Cảnh sát Kueng và Lane giữ chân của Floyd, trong khi Chauvin đè đầu gối trái lên cổ anh ta. Floyd liên tục kêu “tôi không thể thở”, “mẹ ơi”, “làm ơn”. Tuy nhiên, các cảnh sát vẫn giữ nguyên vị trí và 9 phút sau thì Floyd về với chúa. Và đây không phải là vụ việc đơn lẻ, mà theo ghi nhận của tờ Washington Post, liên tục kể từ năm 2015, mỗi năm cảnh sát Mỹ đã nổ súng và làm tử vong khoảng 1.000 người. Con số này dự kiến không thay đổi đáng kể trong năm 2020, khi 463 người đã thiệt mạng do bị cảnh sát bắn tính từ đầu năm nay đến ngày 7-6.

Đối với nhiều người Mỹ da màu, cái chết của George Floyd chỉ là sự phẫn nộ mới nhất trong 1 năm đầy tuyệt vọng. Vì theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề hơn đối với người Mỹ gốc Phi. Cộng đồng da màu chiếm 12% dân số nước Mỹ nhưng lại chiếm 26% số ca nhiễm Covid-19 và gần 23% số ca tử vong. Chính vì thế, các nhà phân tích cho rằng, cái chết của người đàn ông da màu George Floyd một lần nữa làm lộ rõ thực tế tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn là “vết thương nhức nhối” trong lòng xã hội Mỹ.

Chính ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden đã đăng trên Twitter cho rằng “vụ giết người khủng khiếp” là “lời nhắc nhở bi thảm rằng đây không phải là sự cố riêng lẻ, mà là một phần của sự bất công ăn sâu vẫn tồn tại ở đất nước này”. Vâng, công bằng, dân chủ và nhân quyền ở nước Mỹ nói riêng và ở “trời Tây” nói chung là như vậy. Đến đây chắc mọi người đã hiểu nhân quyền ở nước Mỹ là như thế nào và tại sao hằng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ lại có bản báo cáo về nhân quyền của các quốc gia trên thế giới?

  • Từ khóa
2923

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu