Thứ 5, 25/04/2024 13:35:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 09:35, 14/05/2013 GMT+7

Quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục

Thứ 3, 14/05/2013 | 09:35:00 366 lượt xem

LTS: Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 42/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục. Theo đó, nghị định này quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục bao gồm: Tổ chức thanh tra giáo dục; hoạt động thanh tra giáo dục; thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra giáo dục; trách nhiệm và mối quan hệ của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thanh tra giáo dục. Dưới đây, Binhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc về nội dung chính của nghị định này:

* Đối tượng và nguyên tắc hoạt động thanh tra giáo dục

Đối tượng thanh tra là các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên, trường trung cấp chuyên nghiệp; cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài tham gia hoạt động giáo dục tại Việt Nam. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dạy nghề không thuộc đối tượng thanh tra giáo dục.

Hoạt động thanh tra giáo dục phải tuân theo pháp luật, bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời. Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra. Kết hợp giữa thanh tra nhà nước, thanh tra nội bộ của cơ sở giáo dục và thanh tra nhân dân theo quy định của pháp luật.

* Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ

Thanh tra Bộ Giáo dục - Đào tạo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 18 Luật Thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của bộ trưởng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong ngành giáo dục; hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ thanh tra giáo dục cho Thanh tra sở Giáo dục - Đào tạo (sau đây gọi tắt là Thanh tra sở), thanh tra nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp; cho thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra giáo dục; thanh tra việc thực hiện pháp luật về thanh tra, pháp luật về khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục; tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Trong hoạt động thanh tra: Thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành giáo dục theo quy định; Thanh tra lại vụ việc đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được bộ trưởng giao. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật hoặc do bộ trưởng giao.

* Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra sở

Thanh tra sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 24 Luật thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Thanh tra hành chính và chuyên ngành giáo dục theo quy định. Hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành giáo dục cho thanh tra viên, công chức làm công tác thanh tra thuộc sở Giáo dục - Đào tạo và cộng tác viên thanh tra giáo dục ở địa phương. Tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý của sở Giáo dục - Đào tạo. Tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của sở Giáo dục - Đào tạo. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật hoặc do giám đốc sở giao.

* Nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục

Xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục; biên soạn, sử dụng sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu; sản xuất, quản lý, sử dụng thiết bị giáo dục. Thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục; tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục; hoạt động chuyên ngành giáo dục của cơ quan quản lý giáo dục. Thực hiện quy chế chuyên môn; mở ngành đào tạo; quy chế đào tạo; quy chế thi cử; thực hiện nội dung, phương pháp giáo dục; in, quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ. Thực hiện quy chế tuyển sinh, quản lý, giáo dục người học và các chế độ chính sách đối với người học. Các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; kiểm định chất lượng giáo dục; thực hiện phổ cập giáo dục. Thực hiện quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí, các nguồn lực tài chính khác. Tổ chức quản lý, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ. Tổ chức, quản lý công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục. Thực hiện các quy định khác của pháp luật về giáo dục. 

TH

  • Từ khóa
82468

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu