Thứ 6, 29/03/2024 16:00:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:10, 01/11/2016 GMT+7

Nỗi đau của người mẹ bỏ rơi con tâm thần

Thứ 3, 01/11/2016 | 07:10:00 841 lượt xem
BP - Bước chân vào nhà, mùi khai bốc lên nồng nặc khiến tôi dù đã cố kìm nén nhưng vẫn phải nhăn mặt. Bà Đỗ Kim Quy cười như mếu: “Tôi đi làm, chúng ở nhà vệ sinh tùy tiện và quăng đồ khắp nhà vậy đấy. Đi làm thuê về là tôi lại phải lao vào dọn dẹp nhưng hôm sau đâu lại vào đấy! Từ sáng tới giờ, tôi ra chợ nên chưa kịp dọn. Cô thông cảm!”.

Tôi chợt nghĩ, nếu cha mẹ vẫn thường xem con cái có ý nghĩa quan trọng với mình như “tài sản để dành” hay “trẻ cậy cha, già cậy con”, thì với bà Đỗ Kim Quy (1960) ở ấp 2, xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh, qua 4 lần sinh nở, 3 đứa con bị tâm thần thì nỗi đau nào bằng? Ở tuổi xế chiều, bà không mong được con chăm sóc mà chỉ canh cánh nỗi lo khi mình chết đi các con sẽ ra sao? Đau đớn hơn khi chồng bà đã bỏ vợ con để đi tìm hạnh phúc mới...

HÔN NHÂN KHÔNG SUÔN SẺ

Khi đất nước mới giải phóng (1975), bà Quy theo gia đình lên Bình Phước lập nghiệp. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra (1975-1978), bà là y tá tham gia cứu thương bộ đội chiến đấu tại khu vực biên giới Lộc Ninh giáp huyện Sanuol, tỉnh Kratie và huyện Mimot, tỉnh Kompongcham của Campuchia.

25 tuổi, bà quay về chung sống cùng gia đình trên đất Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh và gặp một người đàn ông làm thuê kiếm sống. Cảm thương hoàn cảnh khó khăn của nhau nên họ đã nên duyên chồng vợ.

Bà Quy cùng con trai Nguyễn Thanh Tùng trong căn nhà tạm bợBà Quy cùng con trai Nguyễn Thanh Tùng trong căn nhà tạm bợ

Một năm sau, con trai Nguyễn Viết Tiến (1986) chào đời trong niềm hạnh phúc dâng trào của vợ chồng nghèo. Tuy chỉ có mảnh đất nhỏ gia đình bên ngoại cho để cất căn nhà rồi hai vợ chồng đi làm thuê kiếm sống nhưng tổ ấm của bà Quy vẫn luôn ngập tràn tiếng cười hạnh phúc. Nhưng 3 năm sau, bất hạnh bắt đầu ập xuống gia đình bà khi 3 cậu con trai lần lượt chào đời đều bị tâm thần: Nguyễn Anh Tài (1989), Nguyễn Anh Tú (1991) và Nguyễn Thanh Tùng (1993).

Một mái nhà tranh không còn có thể che chở “2 quả tim vàng” khi mà hai vợ chồng với một tinh thần kiệt quệ, chán chường không lo nổi 6 miệng ăn. Họ vừa lo cái ăn, cái mặc cho các con vừa nặng tâm trạng con ở nhà lên cơn la hét, đập phá đồ đạc và vệ sinh tùy tiện. Hằng ngày, bà Quy vẫn phải để đứa lớn trông đứa bé còn bà vào rẫy làm thuê, chồng đi phụ hồ.

Mong cuộc sống thay đổi nên thời gian sau, họ bán căn nhà đang ở dắt díu nhau qua tỉnh Đắk Lắk mua 1 ha cà phê. Nhưng cuộc sống nghèo túng, các con tâm thần đã khiến chồng bà Quy đổi tính. Ông không còn lo phụ vợ con mà bao nhiêu tiền kiếm được từ phụ hồ ông đổ hết vào rượu. Nhậu xong ông vác cành cây rượt bà khắp xóm và đập phá đồ đạc trong nhà.

Năm 2004, họ tìm về xã Lộc Điền (Lộc Ninh) sinh sống. Cũng vì cái nghèo đeo bám nên vài năm sau, người chồng lẳng lặng bỏ lại vợ con, khăn gói về quê. Và sau đó bà Quy được tin chồng đã kết hôn với người mới.         

ĐÀNH ĐOẠN BỎ CON CŨNG VÌ NGHÈO

Giọng buồn buồn, bà Quy nói: “Cái số mình khổ thì đành phải chịu thôi. Chỉ ngặt nỗi, thằng Tú là đứa bị bệnh tâm thần rất dữ tợn. Mỗi khi lên cơn thường la hét và đánh em nên thằng Tùng lại càng sợ khiến bệnh thêm nặng. Có hôm đã 12 giờ đêm, thậm chí 3 giờ sáng mà Tú còn vác cây đuổi mẹ và em ra đường”.

May mắn con trai đầu lành lặn đã tìm được việc ổn định nuôi thân rồi lập gia đình. Nhưng cuộc sống cũng khó khăn, nuôi 2 con nhỏ nên “năm thì mười họa” mới hỗ trợ được mẹ và em chút đỉnh.

Cách đây khoảng 10 năm, do không thể lo nổi cho các con, bà đã cùng Tiến - con trai đầu - đem con trai thứ 2 đến bỏ tại cổng Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Đồng Nai). Tiến nói với mẹ: “Nhà mình khổ quá nên không thể lo được cho em. Để ở đấy, bác sĩ thấy sẽ đưa em vào điều trị, lại tốt hơn cho cả nhà mình...”. Bà cũng tự an ủi mình như thế. Nhưng lương tâm người mẹ bỏ rơi con vẫn khiến bà day dứt khôn nguôi. Bà Quy nói: “Đến tận hôm nay, tôi vẫn thấy bất an mỗi khi nghĩ đến Tài. Không biết nó sống chết thế nào? Giờ tôi có muốn tìm con cũng không?”

Bươn chải lo cho 2 đứa con bị tâm thần đã khổ, thời gian này, hai đứa bệnh nặng hơn nên bà Quy phải thường xuyên đưa con đến bệnh viện. Số tiền trợ cấp trẻ tàn tật của 2 con được hơn 800 ngàn đồng/tháng không đủ mua thuốc và tiền đi lại nên bà Quy vẫn phải đi làm thuê...

Trong tận cùng nỗi đau, bà Quy chỉ có một ước ao được gặp lại Tài, mẹ con rau cháo có nhau cũng mãn nguyện. Mong những cá nhân, tổ chức hảo tâm giúp đỡ cả vật chất và tinh thần để mẹ con bà Quy bớt khốn khó hơn và tìm được đứa con thất lạc, để bà bớt đi nỗi niềm canh cánh luôn đè nặng trong lòng.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ:  bà Đỗ Kim Quy, ấp 2, xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh hoặc Quỹ tấm lòng vàng Báo Bình Phước, tài khoản số 65510000110461, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Bình Phước. 

Tuyết Ly

  • Từ khóa
91305

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu