Thứ 7, 20/04/2024 06:54:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:52, 05/03/2020 GMT+7

Nông dân Bù Đốp chuyển đổi cây trồng

Hiền Lương
Thứ 5, 05/03/2020 | 06:52:00 1,059 lượt xem
BPO - Mấy năm trở lại đây, giá hồ tiêu liên tục sụt giảm, nhiều diện tích tiêu bị chết hàng loạt khiến nông hộ ở huyện Bù Đốp phải tìm giải pháp cải tạo đất đã bị nhiễm bệnh để chuyển đổi cây trồng. Và trồng cây ăn trái có múi như bưởi da xanh, quýt đường đang được các hộ nông dân nơi đây áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chuyển đổi cây trồng hợp lý

10 năm trước, gia đình ông Nguyễn Thanh Hùng, khu phố Thanh Sơn, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp trồng gần 1.000 nọc tiêu. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, vườn tiêu nhà ông đột nhiên chết hàng loạt, vợ chồng ông buộc phải chuyển sang trồng bưởi da xanh. 94 cây bưởi trồng trên 5 sào đất giờ đã cho trái. Dù mới thu được 2 năm nay nhưng mỗi cây cũng được gần 1,5 tạ trái, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Ông Nguyễn Thanh Hùng ở khu phố Thanh Sơn, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp cắt bỏ các cành tược, cành bị sâu bệnh để cây bưởi thông thoáng, hấp thụ ánh sáng tốt

Ngoài tham gia tập huấn, ông Hùng còn đi các tỉnh miền Tây, rồi qua tỉnh Đồng Nai tham quan học hỏi kinh nghiệm trồng bưởi, để về áp dụng vườn nhà. Tuy diện tích ít nhưng nhờ áp dụng thành công khoa học, kỹ thuật nên vườn bưởi nhà ông phát triển rất tốt. Đến nay, sau 5 năm, vườn bưởi da xanh của gia đình ông gần như cho trái quanh năm, thu hoạch định kỳ mỗi tháng/lần. Bưởi da xanh nhà ông được người tiêu dùng đánh giá là ngon, ngọt và nhìn khá bắt mắt. Do vậy, bưởi chín đến đâu là thị trường tiêu thụ hết đến đó. Ông Hùng cho biết, bưởi da xanh thích hợp với thổ nhưỡng địa phương. Với chế độ chăm sóc phù hợp, sử dụng nhiều phân hữu cơ bón và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, sau 3 năm, cây bưởi bắt đầu cho trái bói. Những năm sau, cây càng lớn năng suất càng cao.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2018, diện tích hồ tiêu chết tại các tỉnh Gia Lai là 5.547 ha, Đắk Lắk 2.219 ha, Đắk Nông 1.827 ha, Đồng Nai 831 ha và Bình Phước 962 ha. Trong đó riêng Bình Phước, năm 2019, toàn tỉnh có 574 ha hồ tiêu bị bệnh chết nhanh, tập trung nhiều tại huyện Bù Gia Mập với 107 ha và huyện Bù Đốp 25 ha.

Không chỉ bưởi mà cây quýt đường cũng đang làm giàu cho nhiều hộ nông dân ở Bù Đốp. Gia đình ông Lê Hữu Trí ở ấp 5, xã Thanh Hòa trồng 1,7 ha quýt đường, tương đương 1.100 cây, mỗi năm thu trên 80 tấn trái. 1 năm quýt cho thu khoảng 3,5 lứa, trong đó 2 lứa chủ lực, thời gian thu kéo dài khoảng 2 tháng. Tùy thời điểm giá quýt có thể dao động từ 15-22 ngàn đồng/kg, do vậy mỗi năm thu lợi nhuận trên 500 triệu đồng.

Ông Trí cho biết, trồng quýt đòi hỏi kỹ thuật cao, nếu bón phân, xịt thuốc không đúng, cây bị rụng trái và bông, khô múi. Ngoài ra, phải cung cấp đủ nước tưới vào mùa khô; mùa mưa phải thoát nước tốt để tránh vườn bưởi bị ngập úng. Muốn cây tiếp tục cho năng suất cao ở các vụ sau, thu hoạch xong nông dân cần vệ sinh vườn, bón phân và cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh để tập trung dinh dưỡng giúp cây nhanh phục hồi. Khó khăn nhất trong chăm sóc quýt đường là cây thường bị bệnh vàng lá gân xanh mà chưa có thuốc đặc trị. Do vậy, khi cây bị bệnh này phải chặt bỏ, khử trùng đất nhằm tránh lây lan.

Đồng hành với nông dân

Kỹ sư Đỗ Hữu Đức, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp cho biết: Cũng như các loại cây có múi khác, bưởi da xanh, quýt đường hay bị các loại sâu bệnh như nhện đỏ, sâu vẽ bùa, đục cành, đục thân, vàng lá gân xanh... phá hoại. Do vậy, nông dân phải thăm vườn thường xuyên, phòng, trị bệnh kịp thời thì cây mới khỏe, cho năng suất cao. Bên cạnh đó phải bổ sung dinh dưỡng cho cây sinh trưởng tốt để hạn chế sâu bệnh phá hoại.

Kỹ sư Đỗ Hữu Đức (đứng đầu bên trái qua), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp tư vấn kỹ thuật chăm sóc cây bưởi cho vợ chồng ông Nguyễn Thanh Hùng ở khu phố Thanh Sơn, thị trấn Thanh Bình

Song song với cải tạo, phát triển vườn cây ăn trái truyền thống như xoài, chôm chôm, huyện Bù Đốp đang mở rộng trồng loại cây ăn trái mới, có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, cam, quýt đường thay thế những cây trồng kém năng suất, không phù hợp. Bởi bưởi da xanh, quýt đường có thể cho thu hoạch từ 15-20 năm nếu chăm sóc tốt. Tuy nhiên, nông dân phải cân nhắc kỹ, tránh trồng ồ ạt làm cung vượt cầu dẫn đến giá giảm sâu, khó khăn trong việc tìm đầu ra. Song song đó, các cấp, ngành cũng cần triển khai đồng bộ về quy hoạch, rà soát quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung; liên kết sản xuất, tiêu thụ; kỹ thuật và công nghệ; phát triển công nghiệp chế biến; mở rộng thị trường tiêu thụ... để nông dân trồng cây ăn trái nói chung và cây có múi nói riêng yên tâm sản xuất.

  • Từ khóa
45520

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu