Thứ 6, 29/03/2024 06:02:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 00:00, 28/07/2011 GMT+7

"Thế giới cần hành động khẩn với vũ khí hạt nhân"

Thứ 5, 28/07/2011 | 00:00:00 479 lượt xem
Tổng Giám đốc IAEA, ông Yukiya Amano
Ngày 27-7, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Yukiya Amano, đã kêu gọi thế giới hành động thống nhất và khẩn cấp để xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Tại Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 23 về các vấn đề giải trừ quân bị ở thủ đô Vienna, Áo, ông Amano nhấn mạnh trụ cột căn bản mà dựa trên đó IAEA hành động suốt hơn năm thập kỷ qua là đảm bảo khoa học và công nghệ hạt nhân hoàn toàn vì các mục đích hòa bình.

Chức năng trung tâm của IAEA là giám sát các nước thành viên tuân thủ hoàn toàn các nghĩa vụ không phổ biến hạt nhân và các nguyên liệu hạt nhân được sử dụng hoàn toàn vì hòa bình.

Các nước thành viên của Hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân được yêu cầu ký kết các hiệp định bảo vệ toàn diện với IAEA để trao cho IAEA quyền giám sát thường xuyên các hoạt động cũng như vật liệu hạt nhân.

Những đảm bảo tin cậy như vậy là công cụ hữu hiệu để tăng cường lòng tin trong khu vực và quốc tế.

Cho đến nay, các hiệp định bảo vệ toàn diện này đã có hiệu lực ở 109 nước.

Tổng Giám đốc IAEA cũng lưu ý rằng IAEA có nghĩa vụ giúp đỡ các nước giảm nguy cơ các tổ chức khủng bố giành được nguyên liệu hạt nhân hoặc nguyên liệu phóng xạ, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn sự phá hoại nhằm vào các phương tiện hạt nhân và đảm bảo an ninh hạt nhân cho các sự kiện công cộng quan trọng như các Đại hội Olympic, các giải vô địch bóng đá các châu lục và quốc tế.

IAEA cũng tăng gấp đôi các nỗ lực để đưa công nghệ hạt nhân phục vụ y tế và dinh dưỡng, an ninh lương thực, môi trường và quản lý nguồn nước…

Cam kết Nagasaki của IAEA nhân kỷ niệm 65 năm Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản gồm bốn điểm.

Một là IAEA đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giải trừ quân bị thông qua thanh tra và kiểm chứng độc lập để đảm bảo các vật liệu hạt nhân từ các vũ khí bị phá hủy không được tái sử dụng vào mục đích quân sự.

Hai là IAEA hỗ trợ xây dựng và giúp duy trì các khu vực không vũ khí hạt nhân mới.

Ba là các thanh tra bảo vệ của IAEA tiếp tục hoạt động trên toàn cầu để kiểm tra nhằm đảm bảo các vật liệu hạt nhân trong các chương trình hạt nhân dân sự không bị chuyển thành vũ khí hạt nhân.

Bốn là các chuyên gia an ninh của IAEA tăng cường hợp tác với các nước để ngăn chặn vật liệu hạt nhân rơi vào tay các tổ chức khủng bố.

(Theo TTXVN)
  • Từ khóa
67102

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu