Thứ 7, 27/04/2024 06:43:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:50, 04/09/2020 GMT+7

tài nguyên và môi trường

Phân loại rác thải tại nguồn: Khó nhưng không thể không làm

Thu Thảo
Thứ 6, 04/09/2020 | 10:50:00 2,549 lượt xem
BPO - Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, hạn chế ô nhiễm, tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển, thu gom. Thế nhưng, việc phân loại rác tại nguồn vẫn đang là bài toán khó.

 “Chưa nghe ai tuyên truyền gì hết. Ở đây có ai biết phân loại rác thải làm sao đâu”. Đó là câu trả lời chúng tôi nhận được khi phỏng vấn một số tiểu thương ở khu vực chợ Bù Gia Mập, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập.

Người dân “mơ hồ”

Hiện chúng tôi cũng chỉ có 1 xe để đi thu gom rác cho toàn xã. Nếu muốn phân loại thì phải đầu tư nhiều xe hơn, thùng chứa rác cũng phải có các loại nữa. Với mô hình thu gom theo kiểu tổ hợp tác như chúng tôi thì rất khó.
Anh Nguyễn Văn Nam,
nhân viên thu gom rác xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh

Ở xã vùng sâu Bù Gia Mập, chưa nói đến phân loại rác thải, có xe thu gom rác vận chuyển đến bãi tập kết, người dân không vứt rác bừa bãi ra môi trường đã là cả một quá trình cố gắng của chính quyền xã và cộng đồng dân cư. Đây cũng là câu chuyện quen thuộc ở hầu hết các địa bàn vùng sâu trên địa bàn tỉnh. Tất cả rác sinh hoạt thải ra, người dân đều cho vào một bao hoặc thùng, gồm đủ loại, từ túi ni-lon, thức ăn thừa, chai lọ, đến cả những đống lá cây, bẹ chuối, cành củi khô…

Nói đến việc phân loại rác thải, hoặc là người dân không biết, hoặc có biết thì cũng “mơ hồ”. Chị Trần Thị Ánh ở xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh chia sẻ: Tôi cũng có nghe nói đến phân loại rác thải nhưng chưa biết phải phân loại như thế nào, thu gom làm sao? Thực tế, việc thu gom, xử lý rác thải hiện nay chủ yếu vẫn là thủ công, sử dụng phương tiện thu gom thô sơ chuyên chở về nơi tập trung rồi xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp. Đơn vị thu gom vẫn chưa phân loại rác trong quá trình thu gom, vận chuyển mà thường bỏ lẫn lộn tất cả rác để vận chuyển đi.

Và những hệ lụy

Quá trình đô thị hóa, gia tăng về dân số cộng với nhu cầu cao trong sinh hoạt hằng ngày của người dân dẫn đến phát sinh ngày càng nhiều chất thải rắn sinh hoạt. Số liệu thống kê cho thấy, trung bình rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn phát sinh mỗi ngày 0,5kg/người, khu vực đô thị khoảng 1kg/người. Hiện nay, các xã đều “đau đầu” với bài toán xử lý rác thải nhằm bảo vệ môi trường, đồng thời củng cố tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Bởi số lượng rác thải ra ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng quá tải tại các bãi rác, gây ô nhiễm môi trường. Việc tìm vị trí thích hợp để quy hoạch bãi rác tập trung cũng không phải dễ. Trong khi đó, với rác gom chung tất cả các loại sẽ mất rất nhiều năm mới có thể phân hủy hoàn toàn, kèm theo đó là nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, môi trường…

Bãi rác tập trung của thị xã Bình Long rác đã chất đống như núi do không xử lý kịp

Tại bãi rác tập trung của thị xã Bình Long, những đống rác chất cao như núi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ruồi nhặng vây quanh đang chờ được xử lý. Trung bình 1 ngày, thị xã Bình Long phát sinh khoảng 20 tấn rác nhưng lò đốt rác tại đây cao điểm cũng chỉ xử lý được từ 8-10 tấn/ngày. Ông Nguyễn Văn Tiến, nhân viên vận hành lò đốt rác tại bãi rác tập trung thị xã Bình Long cho biết: Phương pháp xử lý chủ yếu vẫn là đốt. Với công suất lò như thế thì không đủ đáp ứng. Vừa rác cũ vừa rác mới dồn lại, đủ mọi thành phần. Rác không xử lý kịp thì ô nhiễm là điều tất nhiên.

Theo dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, UBND cấp tỉnh phải ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân thuộc địa bàn quản lý, quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước song song với quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên số lượng, chủng loại chất thải phát sinh trước ngày 1-1-2025. Để thực hiện lộ trình này, việc phân loại rác thải phải được thực hiện ngay từ bây giờ. Vì vậy, giải pháp đầu tiên đòi hỏi các cấp cơ sở cần thực hiện là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân trên địa bàn phân loại rác tại nguồn, phát huy tối đa vai trò giám sát của cộng đồng dân cư. Qua đó, tạo thói quen phân loại rác trong sinh hoạt và sản xuất, hạn chế lượng rác thải ra môi trường. 

Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành các nhóm như: nhóm hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau củ quả, xác động vật); nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni-lon, thủy tinh); nhóm còn lại. 
Chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại được lưu giữ trong bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phải được quản lý, giám sát, tuyên truyền và vận động tổ chức, cá nhân, hộ gia đình chấp hành theo quy định, bảo đảm yêu cầu thuận lợi cho thu gom, vận chuyển và xử lý...

Điều 15, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu

  • Từ khóa
47337

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu