Thứ 5, 25/04/2024 15:01:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:24, 12/06/2020 GMT+7

Quyết liệt trong quản lý ATTP

Lâm Phương
Thứ 6, 12/06/2020 | 08:24:00 344 lượt xem

BPO - An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề được toàn xã hội đặc biệt quan tâm, bởi thực phẩm bẩn không chỉ tác động trực tiếp, làm suy giảm sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng lâu dài đến giống nòi, làm suy yếu nền kinh tế đất nước. Thời gian qua, công tác quản lý, phân công, phân cấp giữa các cấp, các ngành về bảo đảm ATTP và ý thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe đã có chuyển biến tích cực... Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về ATTP vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội.

Hiện người dân Bình Phước đang đối mặt với rất nhiều hệ lụy phát sinh. Trong khi đó, ý thức và kiến thức của một bộ phận không nhỏ người dân, nhất là nhân dân ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế, khiến số người, số vụ ngộ độc thực phẩm ngày càng gia tăng. Điều đáng nói là chính sự gian dối, thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm của một số cơ sở chế biến thực phẩm càng làm cho tình hình nêu trên trở nên báo động hơn.

Minh chứng là trong Tháng hành động vì ATTP năm 2020, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) đã thành lập 127 đoàn thanh - kiểm tra 1.533 cơ sở trong toàn tỉnh. Qua đó, phát hiện nhiều vi phạm, như người trực tiếp pha chế, chế biến không mang găng tay, khẩu trang; điều kiện khu vực chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm chưa đảm bảo an toàn vệ sinh, ATTP... Đơn vị này đã xử phạt 23 cơ sở với tổng số tiền 90 triệu đồng và nhắc nhở 183 cơ sở. Vậy mà mới đây, ngày 8-6, Trung tâm Y tế thị xã Phước Long đã phải tiếp nhận hàng trăm người dân đến điều trị trong tình trạng bị ngộ độc thực phẩm sau khi dự một đám cưới ở thôn Hưng Lập, xã Phước Tín, thị xã Phước Long.

Thực tế này cho thấy, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của các cấp và ngành chức năng vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Các sản phẩm gia súc, gia cầm, rau, củ, quả tiêu thụ trên địa bàn tỉnh chưa kiểm soát được nguồn gốc. ATTP tại các chợ, nhất là chợ dân sinh chưa được quản lý và kiểm tra, kiểm soát. Ngoài ra, việc kinh doanh và sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép hoặc trong danh mục, nhưng vượt quá hàm lượng cho phép vẫn còn xảy ra; việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa mang tính răn đe; công tác tuyên truyền nâng cao ý thức vệ sinh ATTP còn hạn chế... Đặc biệt, loại hình kinh doanh thức ăn đường phố, dịch vụ tiệc cưới lưu động vẫn còn buông lỏng quản lý.

Trước thực tế nêu trên, các cấp và ngành chức năng trong tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể; phát hiện sớm và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định ATTP. Nhất là phải tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền kiến thức về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, như: Hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; không sử dụng thịt gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống sôi...

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu