Thứ 7, 27/04/2024 01:01:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:36, 03/03/2020 GMT+7

Rủ nhau làm nông nghiệp xanh

Ngân Hà
Thứ 3, 03/03/2020 | 06:36:00 1,098 lượt xem
BPO - Chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ đang được huyện Lộc Ninh khuyến khích nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là mong muốn thực tế của nông dân giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, liên kết sản xuất và làm quen với nông nghiệp công nghệ cao.

Cắt 1 trái bưởi xẻ ra mời khách ăn thử, ông Lê Quang Tuyến ở ấp Tam Nguyên, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh tự tin khẳng định: “Chỉ bón phân hữu cơ, trồng sạch nên bưởi trong vườn của tôi đồng đều về chất lượng, trái ít hạt, vị ngọt đậm đà. Chính vì vậy, bước đầu có khó khăn tôi cũng không e ngại vì trồng bưởi sạch mới là giải pháp bền vững để phát triển thương hiệu loại trái cây đặc sản này. Tôi dự định xây dựng thương hiệu vì vài năm tới, khi 12 ha bưởi cho năng suất và chất lượng trái ổn định, bưởi có thương hiệu sẽ là cơ hội lớn để sản phẩm bưởi da xanh của địa phương mở rộng thị trường”.

Nông nghiệp sạch bắt đầu từ sản xuất hữu cơ

12 ha cao su năng suất kém đã được ông Lê Quang Tuyến mạnh dạn cắt bỏ để xuống giống bưởi da xanh. Qua 5 năm trồng, những cây bưởi khỏe mạnh, xanh mướt đang cho trái bói. Chọn bưởi da xanh làm cây trồng chuyên canh, theo ông Tuyến, mặc dù mất nhiều công chăm sóc nhưng bù lại có thu nhập cao hơn so với giá mủ cao su hiện tại. Mặt khác, cây bưởi phù hợp chất đất ở địa phương, có đầu ra, giá ổn định. Trong trường hợp các nơi rộ vụ, có thể kéo thời gian thu hoạch tại vườn đến 1 tháng, sau đó bảo quản trong mát được khoảng 1 tháng nữa nên không lo “dội chợ”.

12 ha bưởi da xanh của gia đình ông Lê Quang Tuyến (thứ 2 từ phải qua) ở ấp Tam Nguyên, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh chăm sóc hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ

Vườn bưởi được ông Tuyến để ra bông tự nhiên, một số xử lý cây cho thu hoạch thành các đợt trong năm. Ông Tuyến cho rằng, trồng cây ăn trái phải kiên trì. Đặc biệt, muốn sản phẩm có tính cạnh tranh và nâng cao giá trị thì phải hướng đến sản xuất sạch. Thay thế hoàn toàn phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật bằng phân hữu cơ là cách ông Tuyến nâng cao chất lượng trái cây theo hướng xanh, sạch, ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. “Ngay từ khâu xuống giống, tôi dùng phân gà Nhật để bón; tự ủ cá với đậu nành, phối trộn men vi sinh thành phân, sau đó trộn tỷ lệ phù hợp để bón cho cây. Bón phân hữu cơ, giai đoạn đầu cây không lớn nhanh và xanh tốt bằng việc thúc phân hóa học, đầu tư cũng tốn công, chi phí cao hơn nhưng về lâu dài có nhiều lợi ích mà vẫn tiết kiệm. Thành phần đạm, axít trong phân đậu nành cao và có độ bền hơn phân hóa học từ 5-6 tháng. Mỗi tháng nên luân phiên bón phân cá vì trong loại phân này chứa nhiều protein, kết hợp với men vi sinh sẽ giúp cây trồng hấp thu tốt, cho trái ngọt” - ông Tuyến chia sẻ.

Đặc biệt, để vườn bưởi cho trái quanh năm, ông Tuyến áp dụng biện pháp cắt tỉa cành, thay vì phải phun thuốc xử lý như nhiều nông dân khác. Với phương pháp này, năng suất trái bưởi đạt cao, không làm ảnh hưởng môi trường, kéo dài tuổi thọ của cây. Cỏ trong vườn ông chỉ cắt thủ công, không sử dụng thuốc diệt cỏ, tránh ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng và an toàn của trái.

Làm vườn bằng tình yêu            

Trò chuyện với anh Vũ Tiến Cương (tổ 10, ấp 5, xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh) - nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh 4 năm liền, chúng tôi cảm nhận anh có sự thích thú đặc biệt với công việc nhà nông. Chịu khó học hỏi, nhanh nhạy nắm bắt thị trường giúp anh có kho kiến thức khá phong phú về làm nông nghiệp. Từ con số không khi đến Lộc Ninh lập nghiệp, năm 1992 anh mua được 1 ha đất trồng tiêu xen cây ăn trái để hạn chế rủi ro. Khi cây ăn trái bắt đầu cho thu hoạch, anh Cương chặt bỏ vườn tiêu để tập trung cho cây ăn trái. Trong đó, sầu riêng và bưởi da xanh là 2 loại cây trồng chủ lực, đang cho thu hoạch ổn định năm thứ 10.

Ông Vũ Tiến Cương (trái) ở tổ 10, ấp 5, xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ để tạo độ bền cho cây và hướng đến canh tác bền vững

Tùy từng giai đoạn phát triển của cây mà anh Cương sử dụng phân bón khác nhau. Anh còn đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt vừa tiết kiệm nước vừa khống chế nước để xử lý vườn cây ra bông, trái đồng loạt hoặc trái vụ.

Xã Lộc Thái có 318 ha cây ăn trái, chủ yếu là sầu riêng, bưởi da xanh. Trước đây, hầu hết các hộ làm ăn manh mún, nông dân trồng rất nhiều loại cây như bơ, sầu riêng, bưởi... Trong đó, sầu riêng chiếm diện tích lớn nhất và đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất những năm gần đây. Trên cơ sở đó, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ thành lập hợp tác xã, giúp nông dân tập trung sản xuất, hướng đến phát triển bền vững trái cây sạch theo tiêu chuẩn VietGAP”.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thái Cao Xuân Thao

Ngoài chế độ dinh dưỡng thì kỹ thuật xử lý ra bông đúng thời điểm cũng rất quan trọng. Ví dụ như giai đoạn đầu cho trái, mỗi cây sầu riêng anh Cương chỉ để khoảng 70 trái, mỗi trái trọng lượng từ 2,7-3,5kg để cây vừa sức. Bưởi da xanh trồng từ 7 năm trở lên chỉ để khoảng 200 trái/cây. Không lạm dụng thuốc trừ sâu độc hại và phân bón hóa học nên dù trái cây của gia đình anh chưa được dán nhãn VietGAP nhưng đã tạo dựng được thương hiệu “sạch” trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Nhờ sự cần cù và niềm đam mê học hỏi, vườn cây ăn trái tổng hợp của gia đình anh đem về nguồn thu bình quân 300 triệu đồng mỗi năm. Thu nhập ổn định từ cây ăn trái nên anh Cương đang có kế hoạch chuyển đổi 2 ha điều, cao su kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, đáp ứng nhu cầu thị trường thời kinh tế mở.

Lâu nay, nhiều người cho rằng, sử dụng các loại thuốc hóa học, chất kích thích cây mang lại lợi nhuận cao hơn, nhưng thực tế làm nông nghiệp hữu cơ mới thật sự tốt về lâu dài vì đất được nuôi dưỡng, không bị hóa chất làm bạc màu, cây có tuổi thọ lâu hơn. Đối với cây bưởi, sầu riêng càng lâu năm càng cho trái ngon và có giá trị kinh tế cao. Do đó, người làm vườn phải bỏ công sức, thời gian và tâm huyết để học hỏi, nghiên cứu đặc tính về các loại cây, từ đó có cách chăm sóc phù hợp, đặc biệt phải có sự hỗ trợ của máy móc, kỹ thuật mới.

Anh Vũ Tiến Cương, tổ 10, ấp 5, xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh

  • Từ khóa
94684

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu