Thứ 6, 29/03/2024 04:30:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:07, 04/12/2019 GMT+7

Sự thay đổi chưa hoàn hảo?!

Thứ 4, 04/12/2019 | 08:07:00 186 lượt xem
BP - Chiều 25-11-2019, với 426/454 đại biểu bấm nút tán thành (chiếm 88,2%), kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Luật này có hiệu lực từ ngày 1-7-2020. Một trong những điểm mới rất được quan tâm tại luật này là từ ngày 1-7-2020, sẽ không còn chế độ viên chức suốt đời. Và quy định này được dư luận trong cả nước đồng tình.

Theo quy định trong luật, tất cả trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau ngày luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2), trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đối với viên chức đã được tuyển dụng trước đó cơ bản không có sự thay đổi về chế độ hợp đồng làm việc so với hiện hành. Dư luận cho rằng, đây là sự thay đổi lớn có tính bước ngoặt và nó sẽ có tác động sâu sắc, mạnh mẽ tới hệ thống hành chính công vụ trong cả nước.

Bởi vì, có “bỏ viên chức suốt đời” mới chấn chỉnh được tình trạng chây ỳ, lười đổi mới, không chịu sáng tạo và thậm chí là không chấp nhận sự sáng tạo; đồng thời qua đó sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức bằng việc trả lương theo vị trí việc làm. Với quy định này sẽ không còn chuyện “ấm chân đến già”, “ngồi một chỗ không bao giờ đuổi được” và cũng không thể có chuyện “cứ sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” hay những trường hợp có ghế ngồi, có chức danh, nhưng chỉ là để có chỗ ngồi uống trà tán gẫu qua ngày rồi đến tháng thì lĩnh lương. Thậm chí lại có viên chức chỉ biết lo cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ làm ảnh hưởng lớn đến lợi ích của tập thể, cơ quan, đơn vị và lớn hơn là lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Chưa hết, trong thực tế cuộc sống từ nhiều năm nay và ở nơi này, nơi khác cho thấy, có không ít trường hợp viên chức không chịu làm việc mà suốt ngày chỉ chăm chăm đi tìm sơ hở của lãnh đạo, của đồng nghiệp để kiện cáo hay xúi bẩy người khác thưa kiện..., vì họ biết chắc chắn rằng đã có một suất “biên chế cả đời” rồi, nên không ai có thể đuổi việc họ được. Vẫn biết rằng những trường hợp này tuy không phổ biến, nhưng gây ra ảnh hưởng không tốt trong bộ máy hành chính công. Và đây là hệ lụy của cơ chế “biên chế cả đời”. Và một khi đã không còn là “viên chức suốt đời”, cũng đồng nghĩa với việc một người có vị trí việc làm phù hợp với chuyên môn và năng lực của mình, nếu ai đó không hoàn thành nhiệm vụ hay làm việc không hiệu quả thì hết hợp đồng sẽ bị sa thải hoặc bị cho thôi việc sau 1 tháng kể từ ngày người sử dụng lao động ra thông báo.

Tuy nhiên, ngay sau khi kết quả bỏ phiếu thông qua dự thảo luật này được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, có không ít cử tri mong muốn rằng, quy định bỏ biên chế suốt đời cần được áp dụng đối với cả đội ngũ công chức, đặc biệt là với các công chức lãnh đạo. Vì đây sẽ là giải pháp hữu hiệu làm thay đổi chất lượng nguồn nhân lực và mang tính cạnh tranh. Và nếu có quy định này, chắc chắn các cơ quan hành chính nhà nước sẽ lựa chọn được những người thực sự có tài, những công chức vừa có tâm vừa có tầm và luôn tận tụy, trung thành với công vụ. Vì thế, có ý kiến cho rằng, việc “bỏ viên chức suốt đời” là sự thay đổi chưa hoàn hảo?! 

HB

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu