Thứ 6, 29/03/2024 17:34:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:12, 11/06/2020 GMT+7

Tầm nhìn về giáo dục

Trần Phương
Thứ 5, 11/06/2020 | 08:12:00 278 lượt xem
BPO - Năm học 2021-2022, chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức triển khai và bắt đầu từ khối lớp 1. Những năm học tiếp theo, sẽ lần lượt triển khai đối với các khối lớp 2, lớp 6... và đến năm học 2024-2025 sẽ triển khai với các khối lớp 5, 9, 12, hoàn tất chương trình.

Một trong những điểm cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông mới là làm rõ hơn quan điểm giáo dục lấy học sinh làm trung tâm - quan điểm giáo dục đã được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng giáo dục trên toàn thế giới từ rất nhiều thập kỷ trước. Và điểm khác biệt lần này được nêu lên, là chương trình giáo dục hiện tại trả lời câu hỏi “học sinh hiểu được những gì?”, còn chương trình giáo dục mới trả lời câu hỏi “học sinh làm được gì?”

Từ nhiều thập kỷ trước, sau khi quan điểm giáo dục lấy học sinh làm trung tâm được chứng minh sự ưu việt vượt trội, các nước có nền giáo dục tiên tiến đã triển khai những bài toán tiếp theo quan điểm này để phát triển quan điểm ấy. Song song đó, khoa học thực nghiệm ngày một phát triển, câu hỏi “học sinh làm được gì?” ngày một chiếm vai trò quan trọng hơn trong tư tưởng giáo dục của các quốc gia.

Với nền giáo dục nước ta, không phải quan điểm giáo dục đó được biết đến chậm trễ hay chưa được triển khai. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, GS-TS Hồ Ngọc Đại đã dành tất cả kiến thức bao năm nghiên cứu ở Liên Xô, chỉ để trả lời câu hỏi: Dạy học sinh lớp 1 như thế nào cho tốt. Rất tiếc, việc hàn lâm hóa chương trình giáo dục phổ thông đã làm quá trình hiện thực hóa quan điểm đấy chậm trễ đi hàng thập kỷ. Và mọi nền giáo dục, cho dù có muốn chậm đi quá trình chuyên biệt hóa ấy cũng không thể cưỡng lại được quy luật của giáo dục, quy luật của sự phát triển. Hay nói rõ hơn, đó là phát triển tố chất riêng biệt của mỗi cá nhân ngày càng được chú trọng.

Trở lại vấn đề thực tế của Bình Phước, đi kèm từ khóa “học sinh làm được gì”?, một trong những yêu cầu đặt ra của chương trình giáo dục phổ thông đổi mới lần này, là... bảo đảm sĩ số học sinh. Cụ thể là năm học tới, bắt đầu từ lớp 1, phải bảo đảm mỗi lớp dưới 35 học sinh. Điều này nghe như... chẳng liên quan gì tới quan điểm giáo dục “học sinh hiểu được những gì” và “học sinh làm được gì”. Nhưng những ai trong ngành giáo dục hoặc hiểu biết rõ về giáo dục sẽ thấy đó là một trong những điều kiện đầu tiên phải đáp ứng được và đây không phải là điều gì mới mẻ.

Với chủ trương tinh giản biên chế của ngành giáo dục, năm học 2019-2020, Bình Phước đã thiếu rất nhiều giáo viên. Riêng với bậc tiểu học, chỉ thành phố Đồng Xoài đã thiếu hàng chục giáo viên. Trong khi đó, mỗi năm từ bậc mầm non đến THCS, Đồng Xoài tăng trung bình khoảng 1.000 học sinh, tương đương 1 trường học. Dự kiến, năm học 2020-2021, Đồng Xoài có thêm 2.766 học sinh lớp 1, như những năm học trước sẽ biên chế thành 71 lớp, tương đương gần 40 em/lớp. Nhưng với chương trình giáo dục mới sẽ phải chia thành 80 lớp, với 120 giáo viên, vì cả sĩ số lớp và tỷ lệ giáo viên/lớp đều yêu cầu cao hơn rất nhiều để đảm bảo chương trình giáo dục mới. Đó là với riêng Đồng Xoài và năm học sau, sẽ cùng lúc không chỉ có lớp 1, mà còn có các khối lớp 2, lớp 6...

Một trong những lý do giáo dục được xác định là quốc sách hàng đầu của mọi quốc gia trên thế giới, bởi đó là chiến lược cho tương lai, cho nhiều thập kỷ sau, thậm chí cho hàng trăm năm sau. Vì thế, đối với giáo dục, phải có tầm nhìn của tương lai, của hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ, chứ không chỉ bởi một nhiệm kỳ.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu