Thứ 7, 27/04/2024 02:20:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:51, 17/03/2015 GMT+7

Chỗ ngồi

Thứ 3, 17/03/2015 | 08:51:00 284 lượt xem
BP - Ngày 10-3, sau một buổi làm việc với các cơ quan liên quan của thị xã Phước Long về công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp, đồng chí trưởng đoàn kiểm tra của Tỉnh ủy đã biểu dương sự chủ động cùng những nỗ lực của Phước Long trong công tác chuẩn bị. Và trong chuỗi các bước công việc mà đồng chí trưởng đoàn nhắc nhở, lưu ý đối với Thị ủy Phước Long - đơn vị tổ chức đại hội điểm của tỉnh, có cả việc chú ý sắp xếp chỗ ngồi cho các đối tượng sao cho phù hợp để tránh khó xử và lộn xộn trong thời gian diễn ra đại hội. Và lúc đó, tôi nhớ đến rất nhiều tình huống dở khóc dở cười chỉ vì chỗ ngồi.

Cách đây không lâu, người viết có dự một hội nghị được tổ chức tại hội trường tỉnh với rất đông khách mời từ cấp xã, phường, thị trấn đến huyện thị. Có lẽ do số lượng đại biểu đông, thành phần mời họp nhiều nên ban tổ chức chỉ sắp xếp được chỗ ngồi (có bảng tên) cho khách mời trung ương và lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị phải tự tìm chỗ ngồi. Vì đến hơi muộn nên có một vị lãnh đạo ngành phải khó khăn tìm chỗ ngồi trong khi các hàng ghế phía trên đã kín hết chỗ. Loay hoay một lúc, nhân viên phục vụ hội nghị mới tìm được một chỗ còn trống phía gần cuối hội trường - nơi hầu hết đại biểu cấp xã ngồi, ngay cạnh ghế của tôi. Hội nghị mới diễn ra được một lúc, vị lãnh đạo ngành đã lẳng lặng xách cặp đứng dậy. Hỏi sao lại về, vị ấy nói “bận”, nhưng tôi đoán chắc là do chỗ ngồi không phù hợp!

Nhớ hồi còn nhỏ, trước ngày tổ chức đám cưới cho chú tôi, thầy mẹ tôi có tổ chức bữa cơm mời anh em, bà con trong họ để bàn việc cưới hỏi. Cỗ bàn đã đủ đầy, những người được mời cũng đã có mặt, chỉ còn ông trẻ trong họ chưa tới. Thầy tôi sai thằng em tôi chạy tới chạy lui mấy lần vẫn không tìm được ông trẻ (hồi ấy chưa có điện thoại). Thấy mọi người sốt ruột “người đi không bực bằng người chực nồi cơm” nên thầy tôi “khai tiệc”. Được một lúc mới thấy ông trẻ lò dò tới. Vì cùng độ tuổi với chú tôi nên ông trẻ được lôi tuột vào bàn toàn người trẻ. Thầy tôi vội chạy lại mời ông trẻ vào bàn các cụ nhưng đám thanh niên đã có vài chén rượu cứ túm chặt lấy ông trẻ nên đành phải về chỗ mà lòng rất áy náy.

Ngày dẫn lễ sang nhà gái, gần đến giờ khởi hành, cả đoàn nhà trai đã đủ đầy, nhưng vẫn không thấy bóng dáng ông trẻ đâu. Thầy tôi lật đật chạy sang nhà, thấy ông trẻ đang ngồi xỉa răng. Hỏi đến giờ rồi sao ông không thay xống áo để đi? Ông trẻ mặt khinh khỉnh hỏi đi đâu? Thầy tôi sửng sốt nói sao ông lại thế? Thì ra ông trẻ giận thầy tôi hai việc. Thứ nhất, ông chưa tới mà dám khai tiệc. Thứ hai, để ông ngồi cùng bàn với “đám con nít”. Bữa ấy thầy tôi chỉ còn thiếu nước khóc, van vái ông trẻ mới chịu đi hỏi vợ cho chú tôi.

Còn rất nhiều tình huống dở khóc dở cười chỉ vì bố trí chỗ ngồi không thích hợp theo ngôi thứ và cấp bậc trong hội nghị hoặc các sự kiện. Có người rất hồn nhiên, cứ thấy có ghế trống là ngồi mà không biết vị trí đó không dành cho mình. Để tránh những sai lầm trong bố trí chỗ ngồi, nhất là các vị trí danh dự thì điều đầu tiên cần biết là ngôi thứ của những người đến dự. Ngôi thứ càng rõ thì nhà tổ chức càng có cơ may tránh được những sai lầm trong việc bố trí chỗ ngồi. Vấn đề ngôi thứ và chỗ ngồi không chỉ bảo đảm cho sự kiện diễn ra trang trọng mà còn thể hiện cả lý do cũng như mục đích của sự kiện.            

Thảo Linh

  • Từ khóa
51168

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu