Thứ 7, 20/04/2024 17:23:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:23, 03/01/2018 GMT+7

NGƯỜI BÌNH PHƯỚC NÓI LỜI HAY, LÀM VIỆC TỐT

Bà Thị Mương - “Phụ nữ Việt Nam tự tin, tiến bước”

Thứ 4, 03/01/2018 | 15:23:00 3,490 lượt xem
BP - Đồng hành với phụ nữ và công tác dân số 20 năm qua với 2 kỷ niệm chương về công tác phụ nữ và dân số, là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ấp Bù Dinh, dù việc gia đình tất bật nhưng bà vẫn cố gắng sắp xếp thời gian, chu toàn “việc nước”, “việc nhà”, xây dựng hình mẫu người phụ nữ Việt Nam tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang. Bà là một trong 100 phụ nữ trong cả nước vinh dự được nhận bằng chứng nhận giải thưởng “100 phụ nữ Việt Nam tự tin, tiến bước” năm 2017. Đó là bà Thị Mương (1966), Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Bù Dinh.

Bà Thị Mương đạt danh hiệu “Phụ nữ Việt Nam tự tin, tiến bước” năm 2017

Danh hiệu “Phụ nữ Việt Nam tự tin, tiến bước” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng Công ty P&G Việt Nam và nhãn hàng Ariel phối hợp thực hiện hằng năm, nhằm tôn vinh các phụ nữ có công trình, hoạt động thúc đẩy sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, dám nghĩ dám làm, vượt qua mọi thử thách để theo đuổi đam mê, sự nghiệp và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống. Danh hiệu bà Thị Mương vừa nhận đã đem lại niềm tự hào cho phụ nữ Hớn Quản nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng. Ở Thanh An, ngoài bà Thị Mương còn có bà Thị Giôn, Tổ trưởng Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Thanh An đạt danh hiệu này. Tuy nhiên, để đạt được tiêu chí xét chọn là điều không đơn giản. Bà Thị Mương đã có thành tích xuất sắc, nhiều cống hiến, hy sinh cao quý cho công tác xã hội. Với “việc nước”, bà không chỉ là một chi hội trưởng hết lòng với sự phát triển công tác hội mà còn tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bà luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; vận động hội viên xây dựng 6 hũ gạo tình thương được trên 200kg gạo hỗ trợ chị em nghèo hằng năm; vận động tiền, gạo giúp nhiều hội viên khó khăn đột xuất, gia đình có ma chay; hướng dẫn chị em áp dụng khoa học - kỹ thuật vào phát triển kinh tế. Bà Thị Mương còn là cộng tác viên dân số tiêu biểu. Để nói bà con nghe, bà chỉ sinh 2 con và vận động con gái đã lập gia đình sinh 2 con theo chủ trương của Nhà nước - việc mà nhiều gia đình DTTS cùng thời với bà khó làm được. Đến nay, bà đã vận động khoảng 60 trường hợp đi đình sản.

Lo lắng bản sắc văn hóa dân tộc bị mai một, bà đứng ra thành lập Tổ cồng chiêng ấp Bù Dinh do bà làm tổ trưởng, tập trung đồng bào trong ấp tập luyện thường xuyên với 15 thành viên, cả nam lẫn nữ để tham gia giao lưu văn hóa - văn nghệ do các cấp tổ chức. Bà còn được bầu chọn là người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS ấp Bù Dinh. Trên cương vị được giao, bà tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào không tụ tập, kích động, khiếu kiện đông người, vượt cấp, xóa bỏ hủ tục mê tín dị đoan, tảo hôn... “Trước đây bà con bị bệnh hay đi “thầy”, mình tuyên truyền có bệnh phải đi bác sĩ, đi “thầy” lỡ mình không có bệnh người ta nói có bệnh, hoặc cho mình uống thuốc bậy làm bệnh nặng thêm”. Cùng với sự quan tâm, động viên thăm hỏi, giúp đỡ người dân khi ốm đau, hoạn nạn đã khiến người dân cảm động bởi tấm lòng của bà nên việc gì bà phân tích đúng sai bà con đều nghe theo. Bà Mương chia sẻ, nên tranh thủ tuyên truyền trong lúc vần đổi công; đợi lúc bà con bình tĩnh, bớt nóng giận mới vận động, tuyên truyền, kiên trì, bền bỉ theo kiểu mưa dầm thấm lâu.

Với “việc nhà”, bà là người thân phong trong phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ruộng nhà bà “cò bay thẳng cánh” cùng lối canh tác đa canh, “mùa nào thức ấy”, không chạy theo số đông. Gia đình bà đang sở hữu 10 ha đất, trong đó 3 ha ruộng, 3,5 ha cao su, hơn 2 ha điều, 1 ha tiêu, cho thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm. Đa phần các công đoạn chăm sóc, thu hoạch vườn, ruộng gia đình đều được cơ giới hóa. Chiếc máy cày, máy xới của gia đình còn cày ruộng, phun thuốc cao su, tiêu, điều... cho người dân địa bàn theo hình thức vần đổi công hoặc cho bà con thiếu tiền công, đến mùa thì trả.

Nhận danh hiệu “Phụ nữ Việt Nam tự tin, tiến bước”, mình rất phấn khởi, vinh dự, tự hào bởi đó là thành quả của quá trình phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống gia đình cũng như ngoài xã hội. Mình nguyện cố gắng hơn nữa để không phụ lòng tin yêu của các cấp lãnh đạo và chị em hội viên” - bà Thị Mương xúc động nói. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thanh An Trần Thị Thiện Thu nhận xét: “Dù lớn tuổi nhưng bà Thị Mương không muốn xa công tác phụ nữ, không ngừng cống hiến cho xã hội. Bà là đảng viên, cán bộ hội nói được, làm được; là người gương mẫu, tiên phong, giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Thanh Mai

  • Từ khóa
19720

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu