Thứ 7, 20/04/2024 05:46:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 17:08, 02/09/2020 GMT+7

Đến với bài thơ hay:

Tiếng Nghệ của Nguyễn Bùi Vợi

Thứ 4, 02/09/2020 | 17:08:00 6,500 lượt xem
BPO - Nhớ những ngày đầu đi học ở Học viện Chính trị khu vực II, mình được học một người thầy trong môn học Văn hóa và Phát triển. Qua giọng nói, mình nhận thấy thầy là một người dân Xứ Nghệ chính gốc với bản tính hiền lành, thật thà. Một hôm, giảng về giọng nói của vùng miền, thầy có đọc 2 câu thơ về xứ Nghệ:

“Gió Lào thổi rạc bờ tre,

Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn”.

Chỉ qua 2 câu thơ của thầy đã gây ấn tượng với mình. Tự tìm hiểu và biết được đây là bài thơ rất đặc sắc viết về giọng nói đặc sệt miền Trung mà cụ thể là vùng đất Nghệ Tĩnh của Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi. Từ giọng nói, tiếng nói ấy mà suy tưởng đến tính cách của người dân xứ Nghệ là tình thương yêu, thủy chung sắc son trong quan hệ giữa người với người.

Nhân đây cũng xin mạn phép chia sẻ để chúng ta cùng tìm hiểu:

Tiếng Nghệ

Cái gầu thì bảo cái đài
Ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi
Chộ tức là thấy mình ơi
Trụng là nhúng đấy đừng cười nghe em
Thích chi thì bảo là sèm
Nghe ai bảo đọi thì mang bát vào
Cá quả lại gọi cá tràu
Vo troốc là bảo gội đầu đấy em…
Nghe em giọng Bắc êm êm
Bà con hàng xóm đến xem chật nhà
Răng chưa sang nhởi nhà choa
Bà o đã nhốt con ga trong truồng
Em cười bối rối mà thương
Thương em một lại trăm đường thương quê

 

Gió Lào thổi rạc bờ tre
Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn
Chắt từ đá sỏi đất cằn
Nên yêu thương mới sâu đằm đó em!

Bài thơ lấy từ bối cảnh của một chàng trai xứ Nghệ, từ vùng quê nghèo ra học tập, sinh sống và lập nghiệp ở Hà Nội, lấy người vợ là dân Thủ đô chính gốc. Sau khi cưới, chàng dẫn nàng về thăm quê hương xứ Nghệ và cũng là dịp để ra mắt bà con, họ hàng. Chàng nghĩ, muốn cho vợ hòa nhập được nhanh với gia đình và dòng họ ở quê, thì vợ phải nói và hiểu được chút ít của tiếng địa phương nơi chàng sinh ra thì mới có thể lấy lòng gia đình chồng được.

Thế là, chàng cấp tốc trang bị cho vợ một loạt từ địa phương mà chàng dự đoán là vợ sẽ nghe và tập nói khi trò chuyện tiếp xúc với bố mẹ, bà con họ hàng quê mình.

Bài thơ được trang bị rất nhiều từ địa phương, như một đoạn văn từ điển có phiên âm ra tiếng Việt được lồng trong những khổ thơ rất độc đáo.

Tính ra bài thơ đưa những âm điệu để đón đầu dạy vợ cũng rất hay, để vợ hiểu được người ta nói gì, vừa chủ động nói với người khác: “Thích chi thì bảo là sèm/ Nghe ai bảo đọi thì mang bát vào”.

Các tiếng chàng trang bị cho nàng cũng đủ các loại âm và được “phiên dịch” ngay trong đoạn thơ: âm ai (đài là gàu), ươi (cươi là sân), ô (chộ là thấy), ung (trụng là nhúng), em (sèm là thích), oi (đọi là bát), au (cá tràu là cá quả), đến cả âm oôc (vo troốc là gội đầu) cũng có và được phiên âm ra luôn.

Đang thao thao bất tuyệt, khi họ hàng đến thăm thì xuất hiện một tình huống bất ngờ, oái oăm trong đoạn thơ, khi có một người trong họ cất lên lời mời:

Răng chưa sang nhởi nhà choa
o đã nhốt con ga trong truồng

Câu thơ này thực sự làm vợ chàng “bối rối” thật sự, mà bối rối cũng phải thôi, sao có 02 câu thơ mà mỗi câu có tới 03 từ lạ, chưa học bao giờ, còn hơn cả tiếng nước ngoài. Trong 02 câu thơ có tới 06 tiếng mà lại âm khác, không trùng với một âm nào mà chàng đã trang bị: ăng (răng), ơi (nhởi), o (bà o), a (ga), uông (truồng).

02 câu thơ thật lý thú, đặt người vợ vào cảnh “cười bối rối” liếc nhìn chồng, sự bối rối này rất thông minh, vì “bối rối” là mất bình tĩnh, mất tự tin, nhưng “cười bối rối” cùng với cái liếc ngang sang chàng để cầu cứu, thể hiện sự thông minh, phúc hậu và khôn khéo trong giao tiếp khi chàng là chỗ dựa vững chắc nhất lúc này giữa họ hàng gần xa trong lần đầu gặp mặt.

Em cười bối rối mà thương
Thương em một lại trăm đường thương quê

Thấy em bối rối anh thương, nhưng dòng thơ đang vui bỗng chuyển sang chùng lại và sâu lắng. Đang nói thương em rồi bỗng sang thương quê, thương em vì bối rối khi nghe mà không hiểu nhưng lại thương quê vì trời ban cho tiếng nói ấy.

Chúng ta đều biết, ở miền Trung gió Lào khốc liệt như thế nào qua câu nói: “tháng Tám nắng rám quả bòng”, lại thêm từ thổi rạc, ngày xưa lấy hình tượng con người qua từ “rạc người” là biết gầy, đói, khổ như thế nào! Tre là biểu tượng trước phong ba bão táp, che chở cho làng quê yên ả ở Việt Nam, thế mà, “gió Lào thổi rạc bờ tre”, một thứ tiếng mà “chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn”.

Câu thơ thật hay, cảm nhận đúng và sâu sắc cái giọng nói của quê mình. Giọng nói của vùng đất nhiều núi non sông nước, nhiều đá sỏi đất cằn, nhiều gió Lào khắc nghiệt… Con người ở đây phải gồng mình lên mới sống nổi trước phong ba bão táp để tạo nên đặc tính của người miền Trung là hiếu học, tính tình ngay thẳng như ai đã viết về con người xứ Nghệ: “Đã thẳng, thẳng như ruột ngựa/Đã nói là nói oang oang/Ông trời nói sai cũng cãi/Rứa mới là dân xứ Nghệ”.

Nhưng từ cái khó khăn gian khổ ấy, hai câu thơ cuối cất lên rất hùng hồn, thể hiện tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau thì mới có thể vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên:

Chắt từ đá sỏi đất cằn
Nên yêu thương mới sâu đằm đó em!

Đọc hết hai câu thơ cuối của bài thơ này, mình tin chắc một điều, với cách đối xử bao dung, nhân ái của bà con họ hàng quê chồng, cùng với cách ứng xử khéo léo, thông minh của người vợ lần đầu ra mắt, người con gái Thủ đô ấy sẽ hiểu được những tình cảm chân thành của người quê miền Trung. Hiểu để rồi yêu chồng, yêu quê hương, yêu giọng nói và tính cách con người quê chồng mình hơn nữa.

Đồng Xoài, ngày 02-9-2020

           Vũ Tiến Dương

  • Từ khóa
94343

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu