Thứ 6, 26/04/2024 04:52:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:12, 05/10/2019 GMT+7

Tiếp tục là đầu tàu...

Thứ 7, 05/10/2019 | 08:12:00 149 lượt xem
BP - Tại diễn đàn “Vai trò doanh nghiệp trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp UBND các tỉnh, thành trong khu vực tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, nhiều ý kiến đánh giá sự phát triển của vùng đang có dấu hiệu “đuối sức”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đây không phải là sự “hụt hơi”, mà vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn giữ vị trí đầu tàu kinh tế ở nước ta hiện nay.

Trong hơn 10 năm qua, tăng trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam luôn giữ mức ổn định và cao hơn 1,5 lần so với bình quân chung cả nước. Đây cũng là trung tâm thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước với hơn 15.000 dự án FDI còn hiệu lực. Đặc biệt, toàn vùng hiện có hơn 140 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động... thu hút hàng triệu lao động, tạo ra hàng loạt sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Theo đánh giá, vào năm 2001, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có dân số chỉ chiếm 17,7% cả nước, nhưng tạo ra 39,2% GDP cho ngân sách toàn quốc. Trong năm 2018, tổng sản phẩm của cả vùng đạt 2.517 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 45% GDP cả nước. Tại hội nghị “Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” vào tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá, đây là vùng đất hứa, là đầu tàu kinh tế của cả nước, nơi hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế cho phát triển công nghiệp, dịch vụ để có thể tăng trưởng nhanh, hiệu quả, bền vững.

Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, các đánh giá về dấu hiệu chững, chậm lại hay đã có sự “hụt hơi”, “đuối sức” của vùng chưa thực sự khách quan. Bởi, từ khi hình thành đến nay, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam không phải “một mình một ngựa” mà cạnh tranh “khốc liệt” với 3 vùng kinh tế khác. Đặc biệt, các tỉnh, thành trong cả nước đang thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút vốn FDI, nguồn nhân lực... tạo ra sự cạnh tranh giữa các vùng, địa phương ngày càng mạnh mẽ. Vì vậy, những đóng góp nêu trên cho thấy, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn đang là đầu tàu kinh tế nước ta. Tuy nhiên, vùng còn một số hạn chế như sản phẩm truyền thống nhiều (28/35 sản phẩm chủ yếu) nên giá trị gia tăng thấp so với các vùng khác. Ngoài ra, một số ngành như công nghiệp xây dựng và dịch vụ có dấu hiệu giảm so trước đây, chưa có sản phẩm công nghiệp mới... Do đó, rất cần có sự đổi mới mô hình tăng trưởng, thay đổi cơ chế, môi trường đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm nhằm tạo sự tăng tốc... để giữ vững vai trò tiên phong trong nền kinh tế đất nước.

Là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước có rất nhiều thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Những năm qua, Bình Phước đã thực hiện tốt chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp... Nhờ đó, hiện Bình Phước có trên 6.800 doanh nghiệp cùng 224 dự án FDI đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa tổng sản phẩm trên địa bàn trong năm 2018 đạt 42.067 tỷ đồng, tăng 7,63% so với năm 2017, thu nhập đầu người đạt 58,3 triệu đồng/năm... Đặc biệt, nhờ có sự liên kết, hỗ trợ giữa các địa phương trong vùng đã trở thành điểm tựa vững chắc để Bình Phước tiếp tục có những bứt phá vươn lên.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu