Thứ 5, 28/03/2024 16:27:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:49, 13/05/2020 GMT+7

Tín dụng chính sách giúp đồng bào DTTS thoát nghèo

Văn Đoàn
Thứ 4, 13/05/2020 | 09:49:00 469 lượt xem
BPO - Phú Văn là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo thuộc diện cao của huyện biên giới Bù Gia Mập, với 319 hộ, chiếm 15,6% tổng số hộ toàn xã. Trong đó, 176 hộ dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 55,8% tổng hộ nghèo. Trong thời gian qua, nhiều hộ ở xã Phú Văn đã thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn vay giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện.

đúng đối tượng,  đúng mục đích

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay xóa đói giảm nghèo đòi hỏi phải đúng đối tượng và đúng mục đích. Thời gian qua, lãnh đạo UBND xã Phú Văn đã tổ chức rà soát, phân tích, đánh giá từng hộ nghèo. Trên cơ sở đó đưa ra giải pháp tham mưu Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện có hướng hỗ trợ vốn vay đúng đối tượng, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh từng gia đình. Vì vậy, nguồn vốn vay đã phát huy hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Hộ chị Thị Ý ở thôn Thác Dài, xã Phú Văn đã vươn lên thoát nghèo do sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi

Điển hình như gia đình chị Thị Ý ở thôn Thác Dài, trước đây là một trong những hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn. Căn nhà tạm bợ, dột nát là nơi sinh sống của 3 thế hệ với 9 người rất chật chội. Tài sản hai vợ chồng có 4 sào điều già cỗi, nhưng cũng bị cơn lốc quét qua làm gãy đổ, chỉ còn sót lại vài cây. Vợ chồng chị đều không có việc làm ổn định, cuộc sống mưu sinh gắn liền với công việc làm thuê nay đây mai đó. Năm 2018, được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 25 triệu đồng, cộng với tiền vay mượn xây dựng căn nhà, giờ vợ chồng chị đã có căn nhà khang trang để ở riêng. Đầu năm 2019, chị tiếp tục được hỗ trợ vay 50 triệu đồng để đầu tư trồng và chăm sóc 4 sào điều, đồng thời trích một phần mua bò sinh sản. Đến nay, hộ chị có 5 con bò. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng cuộc sống gia đình chị dần ổn định và đã thoát nghèo. Chị Thị Ý chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi nghèo lắm, phải ở chung với ba mẹ trong căn nhà tuềnh toàng, chật chội, tài sản chỉ có 4 sào điều. Nhờ Nhà nước hỗ trợ, đến nay gia đình tôi đã có nhà xây để ở, có bò chăm sóc. Vợ chồng tôi sẽ chăm chỉ lao động để cuộc sống ổn định hơn”.

Tương tự, cuộc sống của vợ chồng anh Điểu Bích và chị Thị Hờ chỉ trông chờ vào 5 sào điều già cỗi cùng 60 nọc tiêu. Đầu năm 2019, hộ anh được Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ vay 70 triệu đồng để phát triển kinh tế, trong đó 20 triệu đồng làm công trình nước sạch vệ sinh, 30 triệu chăm sóc vườn điều và 20 triệu mua trâu sinh sản. Thay vì trước đây vợ chồng anh phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày, thì giờ đây đã có vườn điều và 2 con trâu giống để chăm sóc. Trong lúc chờ thành quả từ vườn điều và trâu, vợ chồng anh tranh thủ đi làm thêm để trang trải cuộc sống.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Văn Đặng Thị Lệ Xuân cho biết: “Trước khi người dân được Ngân hàng CSXH huyện cho vay vốn, chúng tôi đã rà soát kỹ điều kiện, hoàn cảnh từng gia đình. Từ đó, chúng tôi tư vấn, hướng dẫn bà con sử dụng nguồn vốn phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Nhờ đó, vốn vay hỗ trợ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo ở xã luôn đúng đối tượng, đúng mục đích và phát huy hiệu quả”.

Đột phá thoát nghèo bền vững

Nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ các chương trình vốn vay giảm nghèo, đặc biệt là nguồn vốn Ngân hàng CSXH huyện, trong năm 2019, xã Phú Văn đã có 15 hộ DTTS thoát nghèo. Tính đến thời điểm hiện nay, Phú Văn còn 319 hộ nghèo, chiếm 15,6% tổng hộ dân toàn xã, trong đó có 176 hộ DTTS (chiếm 55,8% hộ nghèo). Hộ cận nghèo còn 212 hộ, trong đó có 143 hộ DTTS. Phú Văn phấn đấu giảm hộ nghèo còn 8,17% vào cuối năm 2020. Đây được xem là một trong những chương trình đột phá giảm nghèo của xã.

Để đạt chỉ tiêu đề ra, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã Phú Văn đang tiếp tục huy động các nguồn lực để hỗ trợ người dân thoát nghèo bằng nhiều hình thức. Đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức, phấn đấu lao động để vươn lên thoát nghèo. Chủ tịch UBND xã Phú Văn Nguyễn Văn Quân cho biết: “Xã đang tiếp tục rà soát lại hộ nghèo một cách kỹ lưỡng. Trên cơ sở đó, chúng tôi đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình, như: xây nhà ở; nước sạch, vệ sinh môi trường; cấp cây - con giống; hướng dẫn, tư vấn cách làm kinh tế... Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để bà con không ỷ lại, nâng cao ý thức chịu khó làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Mặc dù sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng xã Phú Văn quyết tâm phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo do huyện giao và Đảng ủy, HĐND xã đã đề ra trong năm 2020 là giảm 6,89% hộ nghèo”.

“Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay cho đối tượng hộ nghèo, nhất là hộ DTTS, ngân hàng đã triển khai đồng bộ các chương trình cho vay tại 8/8 điểm giao dịch của 8 xã trên địa bàn toàn huyện. Ngân hàng đã phối hợp chính quyền và các đoàn thể địa phương rà soát, phân tích kỹ về điều kiện hoàn cảnh cụ thể từng gia đình. Trên cơ sở đó, chúng tôi triển khai giải ngân vốn kịp thời để hộ nghèo phát triển sản xuất hiệu quả, vươn lên thoát nghèo” - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bù Gia Mập Nguyễn Thị Thoa cho biết.

  • Từ khóa
1646

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu