Thứ 7, 20/04/2024 21:13:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:38, 08/08/2018 GMT+7

Trầm lắng thị trường cây giống cao su

Thứ 4, 08/08/2018 | 06:38:00 5,590 lượt xem
BP - Năm 2017, giống cao su sau nhiều năm trầm lắng đã tăng đột biến. Năm nay, dù giá bán chỉ bằng 50% của năm trước nhưng người làm cây giống cao su ở Chơn Thành vẫn “ế” hàng vì nông dân không mặn mà với “vàng trắng” khi cả mủ và gỗ cao su đều rớt giá.

VẪN BÁM NGHỀ

Tháng 6 (âm lịch) - cao điểm của mùa xuống giống, nhưng các vườn ươm, vựa bán giống cao su ở xã Thành Tâm (Chơn Thành) vắng người mua. Anh Võ Thành Nghĩa, cơ sở sản xuất giống cao su Sáu An ở ấp Hòa Vinh 1, xã Thành Tâm cho biết: “Năm nay, cơ sở tôi sản xuất 600 ngàn cây giống cao su, chủ yếu giống PB235 (giống cho trữ lượng gỗ cao nhất hiện nay) mới chỉ bán được 100 ngàn bầu. Giá đầu mùa trồng mới 12 ngàn đồng/bầu giống 1-2 tầng lá nhưng hiện tôi giảm còn 8 ngàn đồng/bầu giống mà vẫn không bán được. Như vậy, giá giống cao su đã giảm 50-60% so với cùng kỳ năm 2017. Tiền bán cây giống mùa vụ này tôi chỉ đủ trả tiền công cho công nhân, còn lại vốn đều nằm trong 500 ngàn cây giống còn lại”.

Cán bộ kỹ thuật Nông trường 2, Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh kiểm tra vườn ươm

Anh Nghĩa nói: Gắn bó với nghề sản xuất giống cao su hơn 30 năm nên chúng tôi rất nhuần nhuyễn với các quy trình kỹ thuật và có sẵn vườn nhân, vườn ươm, công nhân. Nhờ đó, chất lượng cây giống Sáu An rất ổn định nhưng với giá như thời điểm này nếu bán hết chỉ mới huề vốn. Đặc biệt, giống BP235 tỷ lệ ghép sống thấp hơn rất nhiều so với giống lai hoa 90/952 hoặc PB260.

Anh Trần Văn Quới, Tổ trưởng Tổ nghề nghiệp sản xuất giống cao su ở ấp Hòa Vinh 1 năm nay sản xuất 40 ngàn cây giống, chủ lực là PB235 và lai hoa 90/952 nhưng trung tuần tháng 5 âm lịch bán được 20 ngàn cây rồi chững lại do hết khách hàng đặt mua. Anh Quới cho biết, với giá bán 12 ngàn đồng/bầu giống 1-2 tầng lá (giống PB235), 8 ngàn đồng/bầu cắt ngọn (đầu mùa mưa) chỉ đủ lấy công làm lãi, nếu phải thuê đất, thuê nhân công thì lỗ lớn.

Ông Lê Văn Hoàn, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Tâm cho biết: “2 ấp Hòa Vinh 1 và Hòa Vinh 2 với nghề truyền thống sản xuất giống cao su 3-4 thập niên nên dù giá cây giống giảm sâu, thấp hơn cả giá thành những năm 2012-2016 thì nông dân cũng phải sản xuất để tận dụng cơ sở hạ tầng và có việc làm. Bấp bênh thị trường giống cao su nên chúng tôi luôn khuyến cáo người dân sản xuất cầm chừng để giữ nghề và tránh phá sản, vì cây giống, nếu bán không hết trong mùa vụ thì phải phá bỏ”.

Anh Võ Thành Nghĩa cho biết thêm: “Để vượt qua khó khăn của thị trường giống cao su những năm qua, ngoài sản xuất cây giống chúng tôi phải có vườn cây cao su kinh doanh hoặc các nông sản có tiếng ở Thành Tâm như măng điền trúc để bù lỗ sản xuất cây giống, “giữ chân” người lao động và giữ nghề. Đạo đức của người sản xuất giống cao su là yếu tố cơ bản để xây dựng lòng tin, thị trường của các cơ sở sản xuất giống cao su truyền thống ở xã Thành Tâm. Ngoài sản xuất các chủng loại theo nhu cầu thị trường, chúng tôi luôn bám sát bảng phân bổ chủng loại giống theo khu vực của Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam. Đồng thời, bằng kinh nghiệm tích lũy mấy chục năm trong nghề, chúng tôi tư vấn cặn kẽ cho nông dân chọn giống phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu. Chúng tôi nhận bao trọn gói với các trang trại, hộ gia đình có diện tích lớn cả về cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc thời kỳ kiến thiết cơ bản để vườn cây phát triển đồng đều, không bị lẫn giống và khi thu hoạch đạt năng suất cao...”. 

SẢN XUẤT BẤP BÊNH

Bình Phước vừa là thủ phủ cây cao su cũng là “vựa giống” lớn nhất cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Chơn Thành. Tuy nơi đây là vùng đất có truyền thống sản xuất giống cao su nhưng chủ yếu là cơ sở tư nhân, hộ gia đình nên không cân đối được cung - cầu và người làm giống khó tránh khỏi rủi ro của thị trường. Trong khi đó, các công ty cao su nhờ cân đối được diện tích tái canh - trồng mới hoặc có hợp đồng mua - bán nên ít chịu tác động bấp bênh của thị trường cây giống. Thời hoàng kim của giá mủ thập niên đầu thế kỷ XXI có cả ngàn hộ ở huyện Chơn Thành sống nhờ sản xuất hoặc buôn bán cây giống. Tuy nhiên, sôi động của thị trường cũng là cái “bẫy” khiến các hộ làm giống cao su, trong đó chủ yếu là những người làm nghề theo phương thức “ăn xổi”: không vốn, không kinh nghiệm, không kỹ thuật; cạnh tranh công nhân giá cao và không có vườn nhân đã phải trả giá thua lỗ khi thị trường giống cao su cung vượt xa cầu.

Anh Trần Văn Quới, Tổ trưởng Tổ nghề nghiệp sản xuất giống cao su ấp Hòa Vinh 1 (xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành) cho rằng, với giá bán như hiện nay, các hộ sản xuất cây giống cao su truyền thống chỉ đủ lấy công làm lời

Sự trầm lắng của thị trường cây giống cao su 5-7 năm trước đã giảm số hộ sản xuất - kinh doanh giống cao su ở Chơn Thành, nay chỉ còn khoảng 15-20% so với thời hoàng kim. Khu vực sản xuất cây giống cũng thu nhỏ, chỉ tập trung ở 2 ấp Hòa Vinh 1 và Hòa Vinh 2 của xã Thành Tâm với khoảng trên 100 ha (vườn ươm, vườn nhân).

Mùa xuống giống năm 2017, thị trường giống cao su sôi động giá tăng cao đột biến là do giá mủ cuối năm 2016 “ấm lên” sau hơn 3 năm chạm đáy. Cũng cuối năm 2016, giá gỗ cao su thanh lý tăng và đạt đỉnh điểm vào quý 3/2017 (cao gấp 2-3 lần so với năm 2014-2015) do thương lái Trung Quốc đổ xô vào Việt Nam mua loại gỗ này. Theo đó, đã có nhiều hộ tranh thủ cưa bán cả vườn cây đang kinh doanh để tái canh giống cao su vừa cho mủ vừa có trữ lượng gỗ cao (năm 2017, giá giống PB235 cao hơn 6 ngàn đồng/bầu giống so với các chủng loại khác, đạt đỉnh 22-23 ngàn đồng/bầu). Cầu vượt cung đã làm “sống lại” thị trường cây giống cao su trong năm 2017. Theo đó, năm 2018 nhiều nông dân ở Chơn Thành và một số địa bàn khác đã khôi phục nghề làm giống.

Khác với năm trước, năm 2018, giá mủ cao su “ảm đạm”, thị trường gỗ cao su không còn sôi động do nhiều xưởng cưa, doanh nghiệp chế biến gỗ đã đóng cửa vì thua lỗ trong năm 2017 và thương lái Trung Quốc không còn tranh mua, tranh bán vườn cây nên nông dân không mặn mà với cây cao su trong mùa trồng mới. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến thị trường cây giống cao su năm 2018 trầm lắng, giảm giá và ế ẩm.

Kỹ sư Đoàn Đinh Hoan, phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chơn Thành cho rằng, sản xuất cao su giống tư nhân do không cân đối được với nhu cầu nên thị trường bấp bênh. Do đó, các cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình làm nghề truyền thống cần sản xuất theo hợp đồng, đồng thời phải liên kết để hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ. Thị trường cây giống chưa kiểm soát được, nông dân nên mua giống ở các cơ sở sản xuất có uy tín và cần có hợp đồng trước thời điểm ghép giống để được tư vấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây kiến thiết cơ bản và chọn các giống phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu...

P.Hà

  • Từ khóa
94423

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu