Thứ 5, 28/03/2024 21:13:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 15:47, 16/12/2015 GMT+7

Trung thực trong kê khai tài sản

Thứ 4, 16/12/2015 | 15:47:00 164 lượt xem

BP - Cứ vào dịp cuối năm, cán bộ, đảng viên lại làm bản kiểm điểm cá nhân, đồng thời kê khai (hoặc bổ sung kê khai) tài sản thu nhập. Theo quy định, bản kê khai tài sản của cán bộ phải được công khai ở nơi công tác với hình thức công bố trong cuộc họp hoặc niêm yết tại trụ sở, thời gian công khai tối thiểu trong 90 ngày (3 tháng). Bên cạnh đó, bản kê khai tài sản thu nhập được quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ cán bộ và người có nghĩa vụ kê khai được đảm bảo bí mật nội dung của bản kê khai. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện việc kê khai tài sản cán bộ, công chức nhưng mới chỉ phát hiện hơn chục trường hợp kê khai không trung thực, chưa phát hiện trường hợp nào tham nhũng.

Nhiều người cho rằng, cả nước có hàng triệu cán bộ, công chức phải kê khai tài sản nhưng rất ít người bị phát hiện kê khai không trung thực là chưa đúng thực tế. Thông qua những vụ xét xử tham nhũng, chúng ta nhận thấy phần lớn đối tượng tham nhũng đều là những người nằm trong diện phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm nhưng chỉ khi phát hiện tham nhũng thì mới biết khối tài sản khổng lồ của họ. Qua đây cho thấy, việc kê khai tài sản còn rất hình thức và hiệu quả chưa cao. Làm sao để việc kê khai tài sản thật sự là một trong những biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ cho phát hiện tham nhũng là câu hỏi cần có lời giải thỏa đáng. Luật Phòng chống tham nhũng thực hiện 10 năm và đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong nhiều cuộc hội thảo, việc kê khai tài sản đã trở thành vấn đề “nóng”. 

Thực tế cho thấy, điều quan trọng nhất của việc kê khai tài sản thu nhập là trung thực. Đồng thời, phải có sự phối hợp của cơ quan chức năng để kiểm soát kê khai, không có sự phối hợp với nhau để đảm bảo các bản kê khai là trung thực, minh bạch thì kê khai cũng không có hiệu quả... Tại cuộc hội thảo quốc tế “Xây dựng thiết chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn” diễn ra ở Quảng Ninh ngày 11-12-2015, các chuyên gia cho rằng, cần giảm bớt số người phải kê khai tài sản nên tập trung vào nhóm người có cương vị, chức vụ và những người thân của họ để việc kê khai và kiểm tra tính chính xác dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, phải quy định việc giải trình nguồn gốc tài sản khi kê khai lần đầu và tài sản tăng thêm khi khai bổ sung. Nếu cơ quan chức năng phát hiện tài sản tăng thêm là do tham nhũng hay do làm ăn phi pháp mà có thì người kê khai không trung thực sẽ bị xử lý theo pháp luật hình sự. Và cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về xử lý tài sản không rõ nguồn gốc. Trong trường hợp kê khai lần đầu cũng như kê khai bổ sung, người kê khai tài sản không giải trình được nguồn gốc của tài sản và cơ quan chức năng cũng không chứng minh được tài sản đó do tham nhũng mà có thì có thể đánh thuế cao đối với số tài sản đó.

Quần chúng có vai trò rất quan trọng. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có quy định cụ thể việc giám sát của nhân dân đối với kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; cung cấp thông tin cho nhiều người biết để giám sát, phát hiện những trường hợp kê khai không trung thực. Quan trọng hơn cả là tổ chức đảng tăng cường kiểm tra, xác minh kết quả kê khai theo cách ngẫu nhiên, coi việc kiểm tra, xác minh là việc làm bình thường, thường xuyên hằng năm. Thực hiện được những cải cách tích cực thì việc kê khai tài sản, thu nhập ở nước ta mới dần đi vào thực chất và mới đạt được hiệu quả như mong muốn.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu