Thứ 3, 19/03/2024 10:39:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:43, 04/09/2013 GMT+7

Danh không chính, thì...

Thứ 4, 04/09/2013 | 09:43:00 503 lượt xem

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có câu thành ngữ như sau: Danh có chính, ngôn mới thuận. Hiểu một cách đơn giản là ai không chính danh thì dù có nói hay đến mấy cũng chẳng người nào nghe. Cũng như không phải thầy giáo thì đừng bao giờ đứng trên bục giảng, không phải là thầy thuốc thì đừng bao giờ khám bệnh, bắt mạch hay kê toa cho người bệnh.

Nhưng xem ra cái đạo lý đơn giản trên đây không phải ai cũng biết, cũng hiểu và làm theo được. Bởi thế mới có chuyện Cục phó Cục cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67), thuộc Bộ Công an vừa ban hành văn bản số 1042/C67/P3 gửi Trưởng phòng PC67 các địa phương. Nội dung của văn bản này yêu cầu lãnh đạo Phòng C67 công an các tỉnh chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là lực lượng tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối cảnh sát giao thông đang thực thi công vụ.

Tại điểm 2 của văn bản trên nêu rõ: “Kiên quyết đấu tranh làm rõ những đối tượng... quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được sự đồng ý của cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”. Ngay sau khi văn bản trên được ban hành, các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội đã có phản ứng gay gắt, thể hiện sự không đồng tình với quy định của Cục C67 đưa ra trong văn bản này.

Vì theo đó, Cục C67 đã tự cho mình cái quyền quy định rằng người dân, nhà báo muốn chụp ảnh cảnh sát giao thông đang làm việc phải xin phép là hoàn toàn trái nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong xã hội. Đặc biệt, quy định này trái với Luật Báo chí, thể hiện mong muốn hạn chế quyền giám sát và quyền tự do ngôn luận của báo chí, của người dân. Chưa hết, với quy định trên, Cục C67 đã cho phép cảnh sát giao thông có quyền truy hỏi, truy xét về giấy tờ, danh tính của người quay phim, chụp ảnh để xác định “đúng là nhà báo” hay “giả danh nhà báo”.

Còn với nội dung “tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản” đã thể hiện rõ việc Cục C67 cho phép cảnh sát giao thông được quyền tập hợp thông tin (hồ sơ) để thông báo cho cơ quan chủ quản. Quy định này hoàn toàn không phù hợp với nhiệm vụ của cảnh sát giao thông khi tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Và từ văn bản trên, dư luận cho rằng lãnh đạo Cục C67 đang có hành động bao che, dung túng cho những vi phạm và tiếp tay cho tiêu cực của lực lượng cảnh sát giao thông.

Thời gian qua, xã hội ghi nhận và đánh giá cao đóng góp của lực lượng này trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Nhưng muốn xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, làm thay đổi cái nhìn của người dân về những hành vi tiêu cực thì phải tăng cường giáo dục cán bộ, chiến sĩ và tôn trọng nguyên tắc công khai, minh bạch, đảm bảo quyền giám sát của báo chí và người dân.

Rất may là sau khi có sự phản hồi của báo chí và dư luận, văn bản trên đã được thu hồi, tuy có hơi chậm. Dư luận mong rằng, đây là bài học hữu ích về sự chính danh không phải của riêng Cục C67. 

Vĩnh Bình

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu