Thứ 3, 16/04/2024 19:31:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:46, 02/04/2014 GMT+7

Giải pháp xử lý lớp lá cao su rụng

Thứ 4, 02/04/2014 | 14:46:00 2,594 lượt xem

Vào mùa khô, cây cao su bắt đầu thay lá. Theo thói quen, nhiều hộ trồng cao su ở Bình Phước xử lý lá cao su rụng bằng cách gom lại rồi đốt nhằm phòng chống cháy và diệt các bệnh gây hại cho cây cao su. Tuy nhiên, cách làm này đã ảnh hưởng lớn đến môi trường và giảm khả năng cho mủ của cây cao su.

Đốt lá cao su rụng trở thành thói quen

Bình Phước là thủ phủ của cây cao su, với diện tích hơn 200 ngàn ha. Trong đó 7 doanh nghiệp nhà nước (4 của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và 3 của tỉnh Bình Phước) đang quản lý, khai thác diện tích gần 90 ngàn ha, còn lại là diện tích cao su tiểu điền. Đến giai đoạn cây cao su rụng lá, rất nhiều hộ cao su tiểu điền gom lá đốt. Với diện tích cao su lớn, việc gom lá đốt gây ảnh hưởng đến môi trường không khí, làm tăng hiệu ứng nhà kính.

Đốt lá cao su rụng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng bộ rễ cây làm giảm sản lượng mủ

Ông Nguyễn Văn Hiền, ngụ ấp Suối Nhung, xã Tân Hưng (Đồng Phú) cho biết: Gia đình có gần 2 ha cao su 7 năm. Bình quân mỗi năm gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng. Hằng năm, vào giai đoạn cây cao su rụng lá, ông gom lại đốt. Cách làm này giúp cây cao su tránh nhiễm các loại bệnh gây hại, phòng cháy trong mùa khô. “Tôi cũng không để ý đến việc đốt lá có thể gây ô nhiễm môi trường hay làm giảm sản lượng mủ. Không riêng gì gia đình tôi mà nhiều hộ khác cũng làm cách này” - ông Hiền nói.

Cạnh vườn cao su của ông Hiền là vườn cao su 1 ha của ông Phạm Văn Mười. Ông Mười chia sẻ: “Tôi cũng gom lá rồi đốt vì không có cách nào để xử lý lớp lá cao su rụng này. Nếu để vậy, vào mùa khô dễ gây cháy”.
 

Giải pháp xử lý lớp lá cao su rụng

Kỹ sư Trần Quốc Việt, cán bộ Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Đồng Phú cho biết, việc đốt bỏ lớp lá khô trong vườn cao su không chỉ ảnh hưởng đến bộ rễ của cây, làm gián đoạn quá trình vận chuyển các chất dinh dưỡng cung cấp cho cây phát triển mà còn làm mất đi lượng lớn chất hữu cơ tích tụ trong lá có thể làm giàu chất cho đất.

Để giải quyết vấn đề này, theo kỹ sư Việt, ngoài giải pháp đốt bỏ, có thể áp dụng các biện pháp xử lý lá rụng khác như dùng men vi sinh Trichoderma (có chứa nấm đối kháng với các loại nấm bệnh hại như bệnh phấn trắng, bệnh xì mủ...) phun hoặc rải đều lên lớp lá cao su rụng. Loại thuốc này có khả năng giúp phân hủy lá nhanh, bổ sung các chất dinh dưỡng hữu cơ, giúp đất tơi xốp, tăng năng suất mủ cao su.

Cũng theo các kỹ sư chuyên ngành nông nghiệp, để tiết kiệm chi phí, ngoài việc sử dụng loại thuốc trên, có thể kết hợp chế phẩm men vi sinh Trichomix phun đều trên tán lá, thân cây, giúp bộ lá non khỏe mạnh, tăng khả năng kháng nấm bệnh suốt chu kỳ khai thác trong thời gian tiếp theo. Cách làm này giúp cây cao su phát triển tốt, tăng năng suất, bảo vệ môi trường.

Ông Phan Văn Đon, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời gian tới, sở sẽ tích cực tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không nên đốt lá cao su;  khuyến khích hộ nông dân sử dụng những chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật nhằm xử lý lớp lá cao su khô hiệu quả.  

Tân Xuân

  • Từ khóa
37303

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu