Thứ 6, 29/03/2024 16:34:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:05, 12/09/2020 GMT+7

Viết tiếp giấc mơ nông nghiệp sạch

Hiền Lương
Thứ 7, 12/09/2020 | 08:05:00 1,036 lượt xem
BPO - Tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy nhiều doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân trong tỉnh tiếp thu tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, năm 2017, Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bình Phước đã cho một số DN vay vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. Qua kiểm tra, các DN đều sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả thiết thực.

Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ (bên phải) kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại Hợp tác xã sản xuất - thương mại - dịch vụ nông nghiệp Nguyên Khang Garden

Thay thế sức lao động thủ công

Công ty Mỹ Lệ TNHH (xã Long Hưng, huyện Phú Riềng) là một trong những công ty lớn của tỉnh trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm hạt điều. Từ năm 2000-2007, trong những tháng cao điểm, công ty phải sử dụng đến 2.000 công nhân chế biến điều. Xác định công nghệ sẽ mang đến lợi thế cạnh tranh, công ty đã đầu tư nhiều tỷ đồng để mua sắm máy móc, thay thế sức lao động thủ công. Nhờ vậy, số lượng công nhân đã giảm rất nhiều.

Để hỗ trợ thêm cho DN, năm 2017, Hội đồng thẩm định Quỹ phát triển KH&CN tỉnh xét duyệt cho Công ty Mỹ Lệ TNHH vay 2 tỷ đồng từ nguồn vốn của quỹ để đầu tư trang thiết bị máy móc. Công ty đã mua thêm 10 máy cắt tách vỏ cứng và 1 máy phân loại hạt điều. Việc sử dụng các thiết bị máy móc đã giúp công ty giảm được 300 nhân công, năng suất lao động tăng lên 150% so với trước. Hiện công ty chỉ cần sử dụng 100 công nhân để sản xuất 30 tấn hạt điều/ngày. Công ty cũng là một trong những đơn vị tham gia tích cực hoạt động xây dựng chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước, chủ động trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu với các hộ nông dân thông qua hợp tác xã đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước tại huyện Phú Riềng và Bù Gia Mập. Hạt điều Mỹ Lệ đã và đang được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Làm việc với đoàn kiểm tra của Sở KH&CN vào tháng 8-2020, bà Trần Thị Xuân Hiền, Giám đốc Công ty Mỹ Lệ TNHH cho biết: Ngày trước, khi chưa có máy phân loại hạt điều, 1 công nhân mỗi ngày phân loại được 1 tạ hạt điều, nay chỉ cần 1 giờ, máy đã phân loại được 2 tấn điều nhân, chi phí sản xuất giảm rất nhiều. Công ty cam kết hoàn trả vốn vay đúng thời gian quy định. 

Rau thủy canh không còn sợ nắng nóng

Sau hơn 10 năm làm việc ở nước ngoài, năm 2013, ông Hoàng Phú Hội quê tỉnh Quảng Trị đã về nước mang theo giấc mơ làm giàu từ rau sạch bằng phương pháp thủy canh. Bằng kinh nghiệm tích lũy được, ông bắt đầu thực hiện dự án trên 6.500m2 đất, với 3,7 tỷ đồng tiền vốn đầu tư, tại xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, rau phát triển tốt, độ đồng đều cao, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%, thời gian thu hoạch giảm 10-15 ngày so với trồng bình thường trên đất. Đặc biệt, rau được trồng trong nhà màng, thêm hệ thống lưới phủ xung quanh nên không bị các loại côn trùng gây hại.

Ông Hoàng Phú Hội (bìa trái) giới thiệu với đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ về mô hình trồng rau thủy canh 

Viết tiếp giấc mơ nông nghiệp sạch, năm 2016, ông Hội thành lập Hợp tác xã sản xuất - thương mại - dịch vụ nông nghiệp Nguyên Khang Garden. Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong tỉnh, hợp tác xã đã thực hiện liên kết sản xuất để tạo ra sản phẩm quy mô hàng hóa lớn với diện tích sản xuất khoảng 45.000m2 dưa lưới và 17.000m2 trồng rau thủy canh tại Đồng Xoài và Phú Riềng. Hiện nay, thương hiệu “Rau, quả sạch Nguyên Khang Garden” đã có mặt tại các siêu thị lớn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Tiếp tục ứng dụng KH&CN vào sản xuất, năm 2017, Hợp tác xã sản xuất - thương mại  - dịch vụ nông nghiệp Nguyên Khang Garden được Quỹ phát triển KH&CN cho vay 3 tỷ đồng đầu tư mua máy làm mát nước hồi lưu và xây dựng thêm hệ thống nhà màng. Trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp cho thị trường từ 2.000-5.000 cây rau thủy canh tùy thời điểm. Ông Hoàng Phú Hội cho biết: “Nhờ vốn vay từ Quỹ phát triển KH&CN, vườn rau thủy canh của tôi không sợ nắng Bình Phước nữa. Rau phát triển tốt, độ đồng đều cao”.  

Theo hợp đồng, đến tháng 7-2020, hợp tác xã phải nộp ngân sách nhà nước khoản kinh phí được hỗ trợ vay vốn của dự án nêu trên là 3 tỷ đồng. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên sản lượng tiêu thụ sản phẩm rau thủy canh trên thị trường từ đầu năm đến nay giảm mạnh, ảnh hưởng đến nguồn thu. Vì vậy, hợp tác xã đã làm đơn xin gia hạn nguồn vốn vay nêu trên. Ông Hội chia sẻ: “Hợp tác xã chủ yếu cung cấp sản phẩm cho siêu thị. Trong đợt dịch Covid-9 thứ nhất đã bị ảnh hưởng rất nhiều, lượng khách hàng đến siêu thị rất ít, thậm chí có siêu thị còn bị đóng cửa vì có trường hợp mắc Covid-19 vào. Khi chúng tôi chuẩn bị phát triển lại thì gặp đợt dịch Covid-19 thứ 2 nên cũng gặp nhiều khó khăn, hàng hóa giảm 50%, thậm chí giảm giá để thu hút khách hàng”.

Ông Lê Minh Quang, Trưởng phòng Quản lý KH&CN Sở KH&CN cho biết: Từ năm 2017 đến nay, Quỹ phát triển KH&CN tỉnh đã giải ngân 9 tỷ đồng cho 3 DN vay vốn đầu tư thêm máy móc hiện đại, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu suất của hoạt động sản xuất. Qua kiểm tra, giám sát của Sở KH&CN, các công ty này đều sử dụng vốn đúng mục đích, góp phần giảm chi phí nhân công, tăng giá trị kinh tế. Sắp tới, sở sẽ tham mưu để cho một số DN vay phát triển công nghệ mới.

  • Từ khóa
39907

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu