Thứ 5, 28/03/2024 20:55:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:29, 13/03/2014 GMT+7

Festival Huế: Đưa di sản văn hóa miền Trung hội nhập

Thứ 5, 13/03/2014 | 14:29:00 385 lượt xem

“Festival Huế, nơi để quảng bá với cộng đồng quốc tế những hình ảnh tươi đẹp, tình cảm thân thiện, hòa bình, một điểm đến hấp dẫn của Việt Nam, của văn hóa Huế. Trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa, đây là nơi gặp gỡ thể hiện mong muốn đoàn kết, nét đẹp giao lưu với các nền văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc trên thế giới của Việt Nam.”

Ông Ngô Hòa, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, đánh giá như vậy trong khuôn khổ chương trình xúc tiến “Về miền di sản cố đô,” giới thiệu du lịch Huế với đoàn phóng viên (Presstrip) đến từ ba miền Bắc-Trung-Nam trên cả nước trước thềm Festival 2014.

Với hành trình này, địa phương không chỉ giới thiệu những điểm đến tại Huế mà còn kết nối với Đà Nẵng (trung tâm du lịch miền Trung) nhằm khai thác thế mạnh liên kết vùng.


Lăng Khải Định là điểm đến ưa thích của du khách khi đến Huế

 

Về nơi kết nối miền di sản

Không thể phủ nhận rằng Festival Huế những năm qua đã luôn là một địa chỉ thu hút du khách trong nước và bạn bè quốc tế đến với Việt Nam. Cũng chỉ còn một tháng nữa Festival Huế lần thứ 8 sẽ chính thức khai mạc vào tối 12-4 và bế mạc vào tối 20-4 với chủ về “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển.”

Hành trình khám phá của đoàn bắt đầu từ Bà Nà, địa danh được ví như “Đà Lạt của miền Trung,” giữa không gian hoang sơ núi rừng bằng tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới (hơn 5.000 mét) có độ cao chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới (gần 1.300 mét). Ngoài đền Bà Chúa Thượng Ngàn có Tháp Linh Phong Tự và Lầu Chuông vừa mới hoàn thành trên đỉnh núi đã biến nơi đây thành một quần thể những công trình tâm linh được quan tâm.

Thiền viện Trúc Lâm-Bạch Mã đẹp như bức tranh thủy mặc soi mình giữa mênh mông sóng nước hồ Truồi và rừng quốc gia Bạch Mã sẽ là điểm kết nối giữa một Đà Nẵng hiện đại, sôi động và một xứ Huế cổ kính, mộng mơ.

Muốn đặt chân lên được Chính điện, Tổ đường, Tam quan, Lầu Chuông, Tháp Trống, Phương Trượng, du khách cần chinh phục 172 bậc tam cấp để gặp quý sư thầy, nghe thuyết giảng về thiền viện, phật pháp và học thiền.

Giống như một bán đảo, đứng từ thiền viện phóng tầm mắt ra xa sẽ mang đến cảm giác tĩnh tâm, thư thái và khoáng đạt hiếm có khi màu xanh của nước tiệp với màu xanh của núi rừng, hòa với trong trẻo không khí.
 


Các nghệ sỹ tái hiện Lễ đổi gác diễn ra tại Ngọ Môn, Huế.

 

Huế và những nơi không nên bỏ lỡ

Trải nghiệm một kỳ Festival Huế thì không thể không hòa mình vào không gian cung đình xưa cũng như nhịp sống và giá trị văn hóa được lưu giữ qua các thế hệ làng nghề truyền thống lâu đời.

Nếu như Bắc Ninh nổi tiếng với tranh Đông Hồ, Hà Nội ghi dấu ấn với tranh Hàng Trống thì Huế lại khẳng định mình bằng dòng tranh mang đậm dấu ấn tâm linh của làng Sình, cho đến nay đã trải qua gần 500 năm nay. Và gia đình nghệ nhân Kỳ Hữu Phước là những người công lớn lưu truyền tranh làng Sình, quyết bám trụ đến cùng với nghề.

Từ làng Sình, đạp xe quanh co qua những thửa ruộng xanh mướt mắt và hít hà căng lồng ngực cái trong trẻo của đồng quê sẽ tới làng hoa giấy Thanh Tiên có lịch sử khoảng 300 năm (tháng 8-2013 vừa qua đón nhận bằng công nhận làng nghề truyền thống).

Đặc biệt, trên hành trình tìm về những nét đẹp xưa cũ, làng cổ Phước Tích cách thành phố Huế chừng 40 km là điểm đến không thể bỏ lỡ, nơi còn lưu giữ được những nét đẹp làng quê Việt Nam, bảo tồn nhiều nhà rường truyền thống hơn trăm tuổi. Nơi có dòng sông Ô Lâu hiền hòa bao đời nay ôm ấp. Nơi có những mái nhà cổ ẩn mình khiêm nhường dưới những rặng cây xanh tươi mát.

Về Huế, chắc chắn không thể bỏ qua Đại Nội để cảm nhận hơi thở quá khứ trong từng di tích và nếu may mắn còn được xem tái hiện Lễ đổi gác diễn ra tại Ngọ Môn; xem trình diễn Nhã nhạc, múa Cung đình, tuồng Cung đình; thăm chùa Thiên Mụ, đền thờ Huyền Trân công chúa...


Múa Cung đình.

 

Và đừng quên khám phá không khí sôi động của chợ Đông Ba nằm dọc bờ Bắc của dòng Hương giang từng đi vào văn học. Những tinh túy trong nghệ thuật ẩm thực cầu kỳ nổi tiếng xứ Huế đều quy tụ ở đây như kẹo mè xửng, mắm tôm chua, nem chả, quýt Hương Cần, hạt sen Tịnh Tâm; lại có cả cơm hến cay rát lưỡi ở các quầy hàng rong, nếm món bánh bột lọc, món bánh bèo mỏng manh với nước mắm ớt xanh, thử tô bún bò giò heo còn nghi ngút khói...

Nguồn TTXVN

  • Từ khóa
48459

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu